Kinh nghiệm khi thực hiện cứu hộ đồng bào vùng lũ

Nhiều đội nhóm tình nguyện khắp nơi chở theo xuồng hơi, sup, ca nô... hướng về miền Bắc giúp đỡ bà con vùng lũ. Tuy nhiên, không phải ai cũng thạo địa hình, rành con nước, có khả năng ứng cứu trong các tình huống. Những “chiến binh” cứu hộ từng chinh chiến khắp các trận mưa lũ ở miền Trung chỉ ra nhiều kinh nghiệm khi tiếp cận vùng ngập lũ.

Không đi lẻ, bơi liều qua nước dữ

Trung tá Lê Quang Hiệp - Tiểu đoàn đặc công 409 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) nhớ như in đêm 14/10/2022, tiểu đoàn đã cứu hơn 100 người dân ở quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) ra khỏi vùng ngập. Anh Hiệp nói, đi cứu hộ trong đêm, điều cần nhất là đi theo nhóm, không đi riêng lẻ. Những người cứu hộ cũng cần có loa và bộ đàm để thông báo cho bà con biết đang tới gần và kết nối, hỗ trợ nhau khi gặp tình huống nguy cấp.


Cứu hộ trong đêm tối cần đi nhiều người, khu vực khó tiếp cận nên dùng phao tròn.

Ngập ở đô thị nhà cửa nhiều lại nằm sâu trong hẻm hóc, trời tối khó quan sát nên phương tiện để tiếp cận từng nhà thuận lợi nhất không phải là ghe, thuyền mà là những chiếc phao tròn kết lại với nhau. Vì ghe, thuyền vướng víu, dễ va vào tường, cọc, mái, cây cối xung quanh. Khi tiếp cận các gia đình, người cứu hộ phải chú ý xem điện đã được cắt chưa, để ý mái tôn, kính vỡ vì rất nguy hiểm.

Những nhà ở gần có thể bơi tới, nhưng nhà ở xa, nước sâu, chảy xiết bắt buộc phải thả dây để người cứu hộ bơi vào. Có đoạn phải thả dây hàng trăm mét, vào an toàn rồi thì buộc dây đưa người dân ra. Phải nhớ buộc ở thắt lưng an toàn nhưng không quá chặt phòng khi nước xiết hoặc kéo dây khiến người dân bị thắt.

Theo Trung tá Hiệp, ai đi cứu hộ cũng đặt tính mạng người dân lên trên hết, cố gắng vượt qua mọi trở ngại, nguy hiểm để cứu được bà con. Tuy nhiên không đồng nghĩa với bất chấp, liều lĩnh bơi qua những vùng nước chảy xiết, không lường được độ sâu, lạ địa hình... vì rất dễ bị nước cuốn trôi.

Bài học “thủng thuyền” nhớ đời

Anh Kim Lực (hội thuyền sup Đà Nẵng) nhiều năm qua tham gia cứu hộ người dân thành phố và một số tỉnh lân cận bị ngập lũ. Theo anh, những vùng dân cư bị ngập, nước không "dữ" thì có thể tiếp cận bằng sup. Trên mỗi chiếc đều trang bị áo phao, đèn pin và một ít thực phẩm. Nhà nào có người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang bầu thì cứu ra trước, mỗi sup tối đa chỉ nên ngồi 3 người.


Chỉ nên bơi những khu vực nước tĩnh, tránh vùng nước chảy xiết, chưa nắm rõ địa hình.

Anh chia sẻ thêm, mái chèo sup khá dài (gần 2m), nhưng để dò được độ nông sâu của từng khu vực thì thuyền nào cũng phải trang bị thêm một cây sào. Khi quá đông người, nếu dò được mực nước tầm 1,5m thì có thể nhường chỗ trên sup cho bà con, anh em nhảy xuống đẩy thuyền để đưa lượng người ra khỏi nơi nguy hiểm nhiều nhất, nhanh nhất.Thuyền sup chỉ nên đi vào vùng nước tĩnh, tránh vùng nước chảy mạnh, xoáy vì rất nguy hiểm. Những vùng nước sâu thì phải kết sup lại 2, 3 chiếc với nhau, không nên đi riêng lẻ”, anh Lực nhấn mạnh.

Anh Ngọc Thanh (Câu lạc bộ Xe Vạn tình 0 đồng, Đà Nẵng) không thể nào quên lần cứu hộ trầy trật ở vùng lũ Lệ Thuỷ (Quảng Bình) năm 2020. “Chúng tôi tiếp cận vùng lũ bằng ca nô, khi vào thì êm xuôi nhưng nước rút từ từ, hàng rào, cọc của nhà dân bên dưới đã đâm thủng ca nô khiến mọi người kẹt ngay giữa lũ, chật vật lắm mới đưa được thuyền ra. Đó là kinh nghiệm 'đau thương' mà ai cũng nhớ đời!”, anh kể. Theo anh Thanh, đi ứng cứu bất kỳ đâu cũng nên tìm hiểu trước địa hình, con nước, lũ các năm trước ra sao, xung quanh có cống hay sông hồ… để đưa ra phương án, lựa chọn phương tiện tối ưu nhất. Trường hợp vùng ngập là những khu dân cư chật chội, nhiều nhà cửa, cây cối, nên chọn ghe nhỏ, hoặc thuyền sup, phao tròn để tiếp cận.

“Dù cứu hộ kịp thời, nhanh nhạy tới đâu, thì bà con các vùng trũng thấp, có nguy cơ ngập cũng cần phải chủ động ứng phó. Năm 2023, trước bão, chúng tôi đã đi từng nhà vận động, hỗ trợ bà con kê gác, di chuyển tài sản, sơ tán đến nơi an toàn để tránh thiệt hại”, Trung tá Lê Quang Hiệp chia sẻ. Trong trường hợp lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận, anh Hiệp khuyên bà con có thể sử dụng các vật dụng trong nhà như thùng xốp, can nhựa, chai nhựa…. kết thành phao để cầm cự.

Cập nhật: 12/09/2024 Tiền Phong
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video