Kỳ bí những hình ảnh ẩn giấu trong các kiệt tác nghệ thuật

Từ những cuộn giấy cổ đại cho đến các bức tranh thuộc thời kỳ hoàng kim của hội họa Hà Lan, công nghệ đang khám phá ra những manh mối mới về các tác phẩm nghệ thuật.

Lịch sử hội họa luôn chứa đựng những kiệt tác bị thất lạc, hoặc phá hủy. Thậm chí có các bức họa được vẽ đè lên những bức tranh sẵn có, và việc này chỉ được phát hiện ra trong nhiều thế kỷ sau, nhờ sự trợ giúp của công nghệ.

Sau khi núi nửa Vesuvius có vụ phun trào khủng khiếp vào năm 79 sau Công Nguyên, nhấn chìm thành phố Pompei và khu vực lân cận, rất nhiều thư viện với các cuốn sách cổ đã bị biến thành than, và các tác phẩm hội họa trên tường quá mỏng manh để có thể khai quật.

Một trong những kiệt tác của danh họa Hà Lan Rembrandt - The Night Watch (1642), từng bị cắt bớt để có thể đưa lọt vào cánh cửa tòa thị chính thành phố Amsterdam vào năm 1715. Từ lâu, các nhà nghiên cứu nghệ thuật đã chấp nhận sự thật rằng những mất mát này sẽ là mãi mãi.


Ít người biết bức The Night Watch của danh họa Rembrandt (hiện trưng bày ở bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam) từng bị cắt bớt ở hai bên. (Ảnh: Rijksmuseum).

Đi tìm những điều ẩn giấu

Trong những năm gần đây, với sự trợ giúp của công nghệ ngày càng phát triển, đang có một làn sóng đi ngược lại với quan điểm trên, nhằm khôi phục những phần hoặc toàn bộ các tác phẩm bị thất lạc.

Cũng giống như AI, machine learning - hay còn gọi là học máy, đã len lỏi vào nhiều phần trong cuộc sống hàng ngày. Giờ đây, công nghệ này đang giúp hồi sinh những tạo tác nghệ thuật quý giá từng biến mất theo thời gian.

Trong suốt chiều dài lịch sử, việc họa sĩ vẽ tranh đè lên một bức tranh cũ là điều không phải hiếm. Điều này sẽ được phát hiện khi người ta đặt một bức tranh dưới tia X.

Một dự án có tên Oxia Palus trong những năm gần đây đã thu hút sự chú ý. Được thành lập bởi hai nghiên cứu sinh tiến sĩ là George Cann và Anthony Bourached, dự án này có mục đích hồi sinh các bức tranh gốc ẩn dưới các tác phẩm hội họa.

Oxia Palus bắt đầu công bố những hình ảnh đầu tiên của họ vào năm 2019, dựa trên AI để xác định màu sắc và kết cấu ban đầu của những bức tranh bị vẽ đè lên. Sau đó, hai nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ 3D để phục dựng lại các bức tranh gốc. Những bức tranh này sẽ được bán dưới dạng một bản in.

"Tôi nghĩ có nhiều người hứng thú với điều này là vì họ thích những thứ mới mẻ. Sẽ thật tuyệt vời khi được chiêm ngưỡng những kiệt tác này, vì chúng tồn tại nhưng trước đây bạn lại không thể nhìn thấy chúng, vì không ai muốn cạo đi lớp bên trên của một bức tranh trị giá hàng triệu bảng", ông Bourached chia sẻ.

George Cann và Anthony Bourached cũng muốn nhắc mọi người rằng việc sử dụng công nghệ để phục dựng các bức tranh không phải là điều đơn giản.

"Các bài viết khiến mọi người chú ý về chủ đề 'công nghệ AI khôi phục một bức tranh', cứ như thể chúng tôi chỉ cần bấm một nút là mọi việc sẽ xong", ông Bourached nói thêm.

Theo ông Bourached, điều này có thể tạo ấn tượng rằng các nhà khoa học đang giao toàn quyền cho máy móc, trong khi trên thực tế có rất nhiều đóng góp bằng sức người trong quá trình này.

Cụ thể, các thành viên trong nhóm sẽ phải thu thập dữ liệu từ các tác phẩm khác của họa sĩ nhằm tìm hiểu phong cách vẽ tranh của tác giả, sau đó lọc kết quả từ máy quét tia X để loại bỏ các yếu tố không cần thiết.

Theo ông Cann, những hình ảnh cuối cùng từ máy quét tia X sẽ là "cách hiểu của chúng tôi về những gì bên dưới". Hai nhà khoa học thừa nhận quy trình này không thật sự tỉ mỉ, vì họ coi đây là một thử nghiệm trong thời gian rảnh rỗi chứ không phải một dự án được đầu tư kỹ càng.


Hình ảnh một người phụ nữ ẩn giấu dưới bức họa Chân dung một cô gái (1917) của họa sĩ người Italy Amedeo Modigliani. (Ảnh: Oxia Palus).

"Một điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh, đó là mặc dù đây là cách tiếp cận tương đối ngây thơ, việc này hoàn toàn có thể thực hiện được. Tôi hy vọng rằng những người khác sẽ tiếp nhận lĩnh vực non trẻ này và làm những điều tốt hơn", ông Bourached chia sẻ.

Trong quá trình làm việc, nhóm của ông Cann và ông Bourached phải đối mặt với một rào cản lớn. Đó là việc sử dụng tia X để quét các bức tranh - vốn được sử dụng lần đầu từ thế kỷ XIX - tỏ ra không hiệu quả trong việc thu thập thông tin.

Sức mạnh của công nghệ

Các nhà bảo tồn tranh đôi khi cũng phải lấy mẫu trực tiếp trên bức tranh để tìm hiểu về loại nhiên vật liệu, các thành phần tạo thành bột màu được sử dụng khi vẽ. Tuy nhiên các công nghệ quét hiện đại cho phép họ thu thập tất cả dữ liệu kiểu này mà không cần phải động vào bức tranh.

Cách đây 5 năm, Phòng trưng bày Quốc gia (National Gallery) ở London đã mua một máy quét hiện đại, có khả năng thu thập rất nhiều dữ liệu về một bức tranh. Vấn đề ở đây là dữ liệu thu được nhiều tới mức hầu hết cơ sở văn hóa không được trang bị đủ nguồn lực để phân tích chúng.

Để cởi bỏ nút thắt này, giờ đây các tổ chức văn hóa như National Gallery đã hợp tác với các trường đại học, nhằm tiếp cận các máy tính cao cấp và chuyên môn của các nhà khoa học.

Trong một dự án như vậy có tên gọi Nghệ thuật dưới Lăng kính ICT (Art Through the ICT Lens - ARTIC), National Gallery đã kết hợp với University College London (UCL) và Imperial College London để phân tích bức tranh Dona Isabel de Porcel của danh họa Tây Ban Nha, Francisco de Goya, được vẽ năm 1805.

Tác phẩm này của Goya vẽ một phụ nữ đội trên mình chiếc khăn choàng màu đen. Tuy nhiên, vào năm 1980, khi được đưa vào máy quét, bức chân dung bí ẩn thứ hai của một người đàn ông mặc áo khoác đã được phát hiện bên dưới bức tranh này.

Để dựng lên hình ảnh rõ ràng hơn về bức tranh ẩn giấu này, các nhà nghiên cứu phải đặt bức họa của Goya dưới máy quét nhiều lần, kết hợp các vùng khác nhau của quang phổ điện từ. Ban đầu, quy trình này phải thực hiện bằng sức người, nhưng giờ đây toàn bộ được giao cho máy tính.

Các nhà nghiên cứu của Đại học UCL dẫn đầu là tiến sĩ Miguel Rodrigues trước đây đã từng tham gia một dự án tương tự nhằm phục hồi tác phẩm Ghent Altarpiece (1432) của danh họa Hà Lan Jan van Eyck.

Trong khi một số nỗ lực nghiên cứu giúp chúng ta biết được những gì ẩn dưới các bức tranh, một số khác giúp các nhà khoa học khôi phục lại những gì đã mất. Vào năm 2011, bảo tàng Rijks (Rijksmuseum) ở Amsterdam đã mời công chúng đến xem bản tái tạo đầu đủ bức The Night Watch của Rembrandt.


Phiên bản ban đầu của bức The Night Watch được phục dựng đầy đủ bằng công nghệ AI. (Ảnh: Rijksmuseum).

May mắn cho chúng ta là trước khi bức họa khổng lồ này bị cắt bớt để đưa vào tòa thị chính Amsterdam, một họa sĩ ít tên tuổi là Gerrit Lundens đã sao chép lại đầy đủ bản gốc. Tuy nhiên, vẫn có những khác biệt rất nhỏ giữa phong cách vẽ tranh của hai họa sĩ, và các nhà khoa học phải hướng dẫn để thuật toán dựng lại phần còn thiếu của bức tranh theo đúng phong cách Rembrandt.

"Thuật toán thậm chí còn bắt chước các vết nứt nhỏ trên tranh, nên tôi sẽ nói rằng nó dựa trên cơ sở khoa học nhiều nhất có thể. Điều đó không có nghĩa là nó hoàn hảo, công nghệ sẽ luôn luôn cải tiến", ông Rob Erdmann, nhà khoa học cấp cao của Rijksmuseum, chia sẻ.

Cập nhật: 18/08/2022 Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video