Kỹ thuật chống tiền giả của Benjamin Franklin

Nhà phát minh Benjamin Franklin nghĩ ra nhiều biện pháp độc đáo để ngăn chặn sản xuất và lưu hành tiền giả ở Mỹ vào thế kỷ 18.

Benjamin Franklin nổi tiếng với phát minh kính hai tròng và cột thu lôi, nhưng một nhóm nhà nghiên cứu đến từ Đại học Notre Dame chỉ ra ông phát triển công nghệ chống tiền giả. Trong suốt sự nghiệp, Franklin in gần 2.500.000 tờ tiền giấy cho các thuộc địa Mỹ, sử dụng kỹ thuật độc đáo mô tả trong nghiên cứu công bố hôm 17/7 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.


Nhà nghiên cứu kiểm tra tờ tiền dưới thiết bị quang phổ. (Ảnh: Đại học Notre Dame)

Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Khachatur Manukyan, phó giáo sư ở Khoa Vật lý và Thiên văn học, dành 7 năm phân tích gần 600 tờ tiền từ thời thuộc địa, nằm trong bộ sưu tập Sách hiếm và Đồ đặc biệt của Thư viện Hesburgh. Những tờ tiền thời thuộc địa lưu hành trong 80 năm, bao gồm tiền in từ mạng lưới xưởng in của Franklin cũng như hàng loạt tờ tiền giả.

Manukyan giải thích nỗ lực in tiền cho hệ thống tiền tệ non trẻ ở vùng thuộc địa rất quan trọng đối với Franklin. "Benjamin Franklin nhận thấy việc độc lập tài chính rất cần thiết đối với các bang thuộc địa để giành độc lập chính trị. Phần lớn tiền xu bằng vàng và bạc đưa tới thuộc địa của Anh ở châu Mỹ nhanh chóng cạn kiệt để trả cho hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, khiến nhiều bang thuộc địa không có đủ nguồn cung cấp tiền để mở rộng kinh tế", Manukyan cho biết.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn ngăn cản nỗ lực in tiền giấy là tiền giả. Khi Franklin mở xưởng in vào năm 1728, tiền giấy là một khái niệm tương đối mới. Không giống tiền xu bằng vàng và bạc, tiền giấy thiếu giá trị nội tại nên thường xuyên có nguy cơ mất giá. Không có hệ thống tiền chuẩn trong thời kỳ thuộc địa, những kẻ đầu cơ có cơ hội lưu hành tiền giả. Để đối phó, Franklin phát triển một loạt đặc điểm an toàn để nhận dạng tiền thật.

Manukyan và cộng sự sử dụng thiết bị quang phổ và chụp ảnh tiên tiến tại Phòng thí nghiệm Khoa học hạt nhân và 4 cơ sở nghiên cứu nòng cốt ở Đại học Notre Dame, bao gồm Trung tâm khoa học và kỹ thuật môi trường, Cơ sở chụp ảnh tích hợp, Cơ sở đặc điểm vật liệu và Cơ sở cấu trúc phân tử. Những công cụ trên cho phép họ xem xét kỹ hơn mực in, giấy và sợi khiến tiền giấy của Franklin trở nên đặc biệt và khó mô phỏng.

Một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất mà nhóm nghiên cứu tìm thấy là chất màu của Franklin. Manukyan và cộng sự xác định các nguyên tố hóa học sử dụng trong mỗi tờ tiền thời thuộc địa ở bộ sưu tập. Tiền giả mà họ tìm thấy có lượng canxi và phospho cao, nhưng những nguyên tố này chỉ được phát hiện với lượng rất nhỏ ở tiền thật.

Phân tích của nhóm nghiên cứu hé lộ Franklin sử dụng màu đen "lamp black", chất màu tạo ra bằng cách đốt dầu thực vật. Tiền in của Franklin sử dụng thuốc nhuộm đen đặc biệt làm từ graphite, khác với màu đen "bone black" làm từ xương đốt cháy mà những kẻ làm tiền giả ưa chuộng.

Một sáng kiến khác của Franklin nằm ở giấy in. Phát minh trộn sợi nhỏ trong bột gỗ làm giấy, có thể nhìn rõ dưới các đường ngoằn ngoèo bên trong tiền giấy, thường được cho là ý tưởng của nhà sản xuất giấy Zenas Marshall Crane năm1844. Nhưng nhóm của Manukyan tìm thấy bằng chứng Franklin lồng sợi màu vào giấy in tiền sớm hơn nhiều.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện tiền giấy in bởi mạng lưới xưởng của Franklin có hình dạng riêng biệt do thêm vật liệu trong suốt mà họ nhận dạng là muscovite. Theo họ, Franklin bắt đầu thêm muscovite vào tiền giấy và kích thước tinh thể muscovite tăng lên theo thời gian. Nhóm nghiên cứu suy đoán ban đầu Franklin thêm muscovite để tiền in bền hơn nhưng tiếp tục thêm nữa khi đặc điểm này trở nên hữu ích trong việc ngăn chặn sản xuất tiền giả.

Cập nhật: 18/07/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video