Kỹ thuật "siêu làm mát" mang hy vọng cho bệnh nhân ghép tạng

Một kỹ thuật "siêu làm mát" mới có thể giữ cho gan của chuột "sống" bên ngoài cơ thể lâu gấp 3 lần so với trước đây, làm tăng hy vọng giảm nhẹ tình trạng thiếu hụt nội tạng cho các ca phẫu thuật ghép tạng.

Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học quốc tế được đăng tải trên Tạp chí Y khoa Tự nhiên ngày 29/6.

Cụ thể, trong công nghệ bảo quản gan 3 bước mới, một máy truyền dịch được sử dụng để cung cấp cho gan oxy, các chất dinh dưỡng và các hợp chất bảo vệ trước khi chúng được làm mát ở nhiệt độ -6 độ C, và được đặt ngập trong dung dịch bảo quản chứa hóa chất chống đông.

Sau khi được giữ ở nhiệt độ này trong 3-4 ngày, nhiệt độ sẽ được tăng dần lại tới 4 độ C, gan được cung cấp lại oxy và dinh dưỡng trước khi thực hiện phẫu thuật ghép tạng.

Kết quả cho thấy tất cả các chú chuột được ghép loại gan "siêu làm mát" trong 3 ngày đều sống khỏe mạnh sau 3 tháng, vốn là điểm mốc để đánh giá khả năng tiếp tục sống sau khi ghép gan.

Ngoài ra, hơn một nửa số chuột nhận gan được bảo quản trong 96 giờ sống tới mốc 3 tháng. Trong khi đó, những chú chuột được ghép gan được bảo quản bằng các phương pháp hiện nay chỉ sống sót được vài giờ hay vài ngày.

Theo nhà khoa học Korkut Uygun thuộc Trung tâm ứng dụng y học, Bệnh viện Massachusetts, đồng tác giả nghiên cứu, đây là thời gian bảo quản gan bên ngoài cơ thể dài nhất với cơ hội ghép tạng thành công cao nhất đạt được cho đến nay.

Nếu sử dụng phương pháp này trong bảo quản tạng người, tình trạng thiếu nội tạng có thể bớt căng thẳng và phẫu thuật ghép tạng có thể được thực hiện trên toàn cầu.

Nhà khoa học Rosemarie Hunziker thuộc Học viện hình ảnh sinh-y học và công nghệ sinh học quốc gia (NIBIB), thành viên của Học viện y tế quốc gia Mỹ (NIH), cho hay bước tiếp theo sẽ là thực hiện các nghiên cứu tương tự ở các loài động vật lớn hơn. Tuy nhiên, phương pháp trên cần được kiểm tra kỹ lưỡng và cải tiến trước khi được cân nhắc sử dụng ở người.

NIBIB nhấn mạnh tăng thời gian gan tồn tại được ở bên ngoài cơ thể mang lại rất nhiều lợi ích, như có thêm thời gian chuẩn bị cho bệnh nhân, giảm bớt công tác hậu cần ở bệnh viện nơi có người hiến tạng, bớt tính khẩn cấp khi phải chuyển nội tạng tới địa điểm thực hiện cấy ghép, mở rộng phạm vi hiến tạng cho phép thực hiện các ca phẫu thuật ghép tạng xuyên lục địa và liên lục địa.

Điều này cũng gia tăng cơ hội tìm được nội tạng phù hợp cho bệnh nhân cần ghép tạng, cũng như giảm chi phí phẫu thuật.

Theo nghiên cứu, chỉ riêng ở Mỹ, khoảng 120.000 người đang chờ đợi được hiến tạng.

Theo TTXVN/Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video