Lạm dụng thuốc tra, nhỏ mắt có chứa corticoid: Tai biến khó lường

Khi bị đau mắt đỏ người dân thường tự ý mua thuốc về dùng mà không cần có sự chỉ định của bác sĩ. Nếu người bệnh dùng không đúng thuốc, lạm dụng thuốc kéo dài có thể khiến bệnh nặng thêm thậm chí gặp các biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh chóng trong cộng đồng là do thay đổi thời tiết, mưa nhiều, độ ẩm cao... Ngoài ra, còn do vệ sinh kém, tiếp xúc quá gần người bệnh hoặc chính đôi tay bẩn là tác nhân làm lây lan bệnh.

>>> Cách ngừa đau mắt đỏ hiệu quả

Đứng trước thực trạng này nhiều người bệnh nhất là ở các vùng nông thôn đã tự ý đi mua các thuốc tra, nhỏ mắt có chứa corticoid về dùng. Các thuốc này trong thành phần thường có một kháng sinh là: polymyxin, neomyxin hoặc chloramphenicol (có tác dụng chống nhiễm khuẩn), và một thành phần là corticoid như dexamethazon (có tác dụng chống viêm rất tốt). Khi tra, nhỏ các thuốc có chứa các thành phần trên sẽ nhanh chóng làm giảm đỏ mắt, người bệnh thấy dễ chịu nên rất thích dùng và còn truyền miệng cho nhau. Nhiều người còn cho đây là thuốc quý chữa bách bệnh nên tích trữ trong nhà, hễ cứ đau mắt là mang ra tra, nhỏ.

Do có tác dụng kháng viêm mạnh nên thuốc không chỉ được sử dụng hiệu quả trong điều trị đau mắt đỏ và còn được dùng trong các bệnh như viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, viêm thượng củng mạc, viêm bờ mi… Tuy nhiên nếu người bệnh dùng không đúng, lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài sẽ gây ra tai biến do thuốc như dị ứng, làm trầm trọng thêm bệnh (Ví dụ, trường hợp bệnh nhân bị viêm loét giác mạc do nấm hay herpes, nếu nhỏ corticoid sẽ làm bệnh bùng phát và nặng thêm, gây biến chứng thủng giác mạc hoặc sẽ làm cho vết loét rộng ra, lâu làm sẹo và có thể dẫn đến thủng giác mạc, gây mù).

Đây còn là loại thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Nghiêm trọng nhất là nếu sử dụng lâu dài có thể dẫn đến đục thuỷ tinh thể (với biểu hiện nhìn mờ như qua một lớp sương, ra trời nắng thấy chói, thị lực giảm đi rất nhiều). Biến chứng đáng sợ của thuốc nhỏ mắt chứa corticoid là gây tăng nhãn áp, dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác và gây giảm thị lực vĩnh viễn. Thường hiện tượng tăng nhãn áp không có triệu chứng gì, nhưng nó tiến triển âm ỉ cùng với thời gian nhỏ thuốc kéo dài của bệnh nhân, cho đến khi người bệnh thấy bị giảm thị lực là lúc bệnh đã ở giai đoạn rất nặng. Nếu bệnh nhân biết sớm, đến với bác sĩ nhãn khoa, họ sẽ được điều trị hạ nhãn áp bằng thuốc. Ngưng thuốc nhỏ mắt có corticoid thì nhãn áp sẽ trở lại bình thường. Trong trường hợp đến quá trễ thì chỉ còn cách phẫu thuật nhưng đôi khi cũng không cứu vãn được thị lực.

Một nghiên cứu về đánh giá kết quả phẫu thuật điều trị glocom do corticoid ở trẻ em mới đây của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, đa số trẻ em bị glocom do dùng corticoid kéo dài đến khám ở giai đoạn nặng với biểu hiện bệnh rầm rộ, nặng nề. Kết quả phẫu thuật chỉ bảo tồn được một phần chức năng thị giác và thị trường cho bệnh nhân. Một tỷ lệ không nhỏ bệnh vẫn tiếp tục tiến triển, tỷ lệ thành công sau phẫu thuật giảm dần theo thời gian. Tình trạng trên cho thấy dự phòng vẫn là biện pháp tốt nhất đối với bệnh glocom do corticoid.

Để tránh những hậu quả trên, khi thấy mắt bị đỏ, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa mắt ngay để được khám và dùng đúng thuốc. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ mắt về dùng, nhất là loại thuốc chứa corticoid. Trường hợp cần phải nhỏ trong một thời gian dài nhất thiết phải có sự theo dõi của bác sĩ.

Dược sĩ Hoàng Thu Thủy

Cập nhật: 15/07/2016 Theo TTOL/SKĐS
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video