Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta thu được tiếng hát của loài cá voi đen hiếm nhất thế giới

Loài cá voi đen hiện chỉ còn khoảng 300 cá thể trên phạm vi toàn thế giới. Cũng bởi vậy, việc nghiên cứu về chúng là rất khó khăn.

Cá voi là những sinh vật phải chịu đựng sự tác động của con người nhiều nhất. Qua thời gian, rất nhiều loài cá voi đã biến mất, cùng vô số loài rơi vào ngưỡng cửa tuyệt chủng.

Cá voi Bắc Thái Bình Dương (còn gọi là cá voi đen - Eubalaena japonica) là một trong số những loài như vậy. Chúng đã từng rất đông đảo, nhưng rồi sự săn đuổi của con người đã khiến số lượng của loài vật này chỉ rơi vào khoảng dưới 300 trên phạm vi toàn thế giới. Và cũng bởi có quá ít, nên việc nghiên cứu về chúng cũng trở nên khó khăn hơn.


Cá voi Bắc Thái Bình Dương  hay còn gọi là cá voi đen.

Sự khó khăn thể hiện ở ngay trong nghiên cứu mới nhất của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Đó là dù đã biết từ rất lâu, nhưng phải mới đây các chuyên gia từ NOAA mới có thể ghi lại được "tiếng hát" của cá voi đen tại biển Bering.

Được biết, cá voi đen không giống như các loài khác thuộc bộ cá voi. Chúng khá ngại ngần khi "cất giọng", mà thay vào đó thường chỉ liên lạc với các thành viên trong nhóm ở cự li gần.

"Mùa hè năm 2010, chúng tôi ghi nhận một số tín hiệu âm thanh lạ" - trích lời Jessica Crance, chuyên gia hải dương học từ NOAA.

"Chúng tôi nghĩ đó có thể là cá voi đen, nhưng không thể trực tiếp nhìn để xác nhận. Bởi vậy kể từ thời điểm đó, chúng tôi bắt đầu lần ngược về các dữ liệu từ rất xa, để rồi nhìn thấy các âm thanh trùng khớp với thời điểm cá voi xuất hiện".

Trước kia, người ta vẫn biết rằng cá voi đen có khả năng tạo ra những âm thanh lớn và đứt gãy, nhưng các âm sắc và giai điệu - thứ làm nên cái gọi là "bản nhạc của cá voi" thì chỉ xuất hiện ở một số nơi nhất định.

Việc nghe thấy các âm thanh của cá voi trên thực tế là không hiếm. Có điều, để chắc chắn nó phát ra từ loài cá voi nào mới là vấn đề cần khoa học nghiên cứu cẩn thận.


Tình trạng của loài cá voi này vì thế luôn được đặt ở mức nguy cấp.

Mãi đến năm 2017, khi các âm thanh tương tự được phát hiện tại biển Bering và 3 vùng biển khác, mọi chuyện mới được làm sáng tỏ.

"Chúng tôi bắt được các tín hiệu tương tự nhau vào mùa hè năm 2017, sau đó xác nhận được nó bắt nguồn từ những con cá voi đen đực" - Crance cho biết.

"Chúng tôi có thể khẳng định đó là cá voi đen - một phát hiện rất thú vị, vì chúng ta chưa từng nghe thấy chúng hát bao giờ" - Crance chia sẻ. Nhóm nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch thu thập thêm các dữ liệu trong quá khứ, để xem liệu có thể xác định được mục đích từng tiếng hát của chúng hay không.

Trong quần thể cá voi đen tại nơi phát hiện ra tiếng hát, chỉ có khoảng 30 cá thể thôi. Tình trạng của loài cá voi này vì thế luôn được đặt ở mức nguy cấp. Với số lượng quá nhỏ, tương lai của chúng cũng trở nên bất định, đặc biệt là trước tác động của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of the Acoustical Society of America.

Cập nhật: 24/06/2019 Theo helino
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video