Sử dụng vệ tinh để lần theo hành trình và dấu vết của rùa da (Dermochelys coriacea) là một phát hiện mới hứa hẹn sẽ hỗ trợ đắc lực cho lĩnh vực bảo tồn loài rùa quý hiếm và rất có thể sẽ đặt dấu chấm tạm thời của ngành đánh bắt cá ở một số điểm nóng về đa dạng sinh học trên thế giới.
Rùa da là loài rùa biển có kích thước lớn nhất, cũng là loài bò sát lớn nhất sinh sống ở biển, với trọng lượng cơ thể trưởng thành có thể nặng tới hơn 900kg và chiều dài lên đến gần 2m. Tuy nhiên, kích thước lớn dường như chưa đủ để giúp chúng thoát khỏi những mối đe dọa đang rình rập.
Chỉ tính riêng hai thập kỷ qua, số lượng quần thể rùa da sống ở khu vực biển Thái Bình Dương đã giảm đi 90%, chủ yếu do mắc phải lưới rà của các tàu đánh cá. Tiếc rằng, các nhà nghiên cứu sinh vật học vẫn chưa cách nào tìm ra chính xác vị trí và thời điểm rùa da thường gặp nạn.
Rùa da có khả năng di chuyển xa hàng nghìn dặm trong khắp Thái Bình Dương nên việc theo dõi chúng từ mặt đất hoặc trong lòng đại dương không khả thi. Nhà sinh vật học Helen Bailey thuộc Trung tâm Khoa học Môi trường - Đại học Maryland (Hoa Kỳ) cùng các cộng sự đã tìm đến phương pháp theo dõi bằng vệ tinh.
Thông qua việc gắn các thiết bị thu phát trên mai mềm của những cá thể rùa, mỗi lần rùa nổi lên mặt nước, nhóm nghiên cứu sẽ bắt được tín hiệu từ thiết bị truyền qua vệ tinh.
Nghiên cứu này đã được tiến hành trong 15 năm qua trên 135 cá thể rùa cái cư trú ở khu vực phía Đông và phía Tây Thái Bình Dương, tập trung vào theo dõi hoạt động săn mồi của chúng. Các chuyên gia đã phát hiện quần thể rùa da phía Tây Thái Bình Dương có xu hướng rời khu vực làm tổ ở Indonesia tới kiếm ăn ở vùng Biển Đông, vùng biển Indonesia, vùng biển phía Đông Nam Australia và vùng bờ biển Tây của Mỹ. Quãng đường xa như vậy khiến chúng gặp nhiều nguy cơ vướng phải lưới đánh cá của ngư dân.
Trong khi đó, quần thể rùa da phía Đông Thái Bình Dương lại thường xuyên di chuyển từ Mexico và Costa Rica đến vùng biển phía Đông Nam Thái Bình Dương. Nguy cơ mắc vào lưới và các thiết bị đánh cá, nhất là ở khu vực dọc bờ biển Nam Mỹ cũng khá cao do quần thể rùa ở đây có mật độ lớn.
Trước những mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự sống của loài rùa da, việc sử dụng các thiết bị vệ tinh nhằm theo dõi dấu vết của chúng được kỳ vọng sẽ giúp các nhà khoa học và các nhà quản lý xác định được thời gian cũng như địa điểm chúng gặp nạn để kịp thời ứng cứu và triển khai những giải pháp bảo tồn hiệu quả hơn trong tương lai.