Trong khi nước lũ chưa kịp rút, người dân còn chưa kịp hoảng hồn với cơn đại hồng thủy vừa gây ra thì một thảm họa mới dữ dội hơn, dồn dập hơn lại ập đến – xả lũ thượng nguồn.
2010 - Phú Yên, Khánh Hòa: Lũ chồng lũ
Liên tiếp trong thời gian vừa qua, mưa lớn kéo dài đã khiến miền Trung oằn mình chống lũ. Liền kề sau đó, các tỉnh Nam Trung Bộ cũng tiếp tục phải đối mặt với trận lũ lịch sử khi tính đến thời điểm hiện tại đã có ít nhất 17 người chết do lũ lụt ở khu vực này.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khu vực Nam trung Bộ sẽ tiếp tục có mưa lớn kéo dài trong vài ngày tới. Dự báo trong đêm 3/11 và ngày 4/11, lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng sẽ lên lại và ở mức BĐ1 – BĐ2, có nơi trên BĐ2.
Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 7000m3/s.
Trong khi tình hình mưa lũ còn diễn biến hết sức phức tạp thì từ chiều ngày 2/11, 3 hồ thủy điện lớn tại Phú Yên bao gồm thủy điện sông Ba Hạ, sông Hinh, Krông H’Năng và thủy lợi Ba Lá (Gia Lai) đã đồng loạt xả lũ với lưu lượng trên 10.000 m3/s khiến TP. Tuy Hòa, huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa ngập chìm trong lũ. Người dân tại các khu vực này đang phải đối mặt với nguy cơ một trận lũ lịch sử, nước các sông đang bắt đầu dâng nhanh gây chia cắt, ngập lụt trên diện rộng. Toàn tỉnh đã phải sơ tán hơn 4.000 người.
Tại huyện Đông Hòa, khoảng 400 hộ dân ở thôn Mỹ Thành và Ngọc Lâm đã bị bị cô lập hoàn toàn do nước lũ từ thượng lưu dồn về. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập sâu gần 1m.
Tại huyện Phú Hòa, nước lũ về nhanh đã khiến nhiều người dân không kịp trở tay, có nơi mực nước đã xấp xỉ nền nhà. Gần 500 hộ dân ở Đội 1 và Đội 2 thôn Phước Lãnh đang phải chống trọi với nguy cơ ngập lụt cục bộ. Chính quyền huyện đã phải huy động hơn 7.000 bao cát để vây lũ đồng thời tổ chức sơ tán cho 622 hộ với 2.260 dân khỏi vùng ngập lụt.
Trước tình hình này lãnh đạo tỉnh lo ngại nếu việc xả lũ không được kiểm soát, Phú Yên sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngập trắng trời vì trước đó vào tháng 11/2009, hồ thủy điện Sông Ba Hạ chỉ xả lũ với lưu lượng 1.400m3/s thì sau nửa ngày, thành phố Tuy Hòa đã bị ngập và sau một ngày đạt đỉnh lũ lịch sử năm 2003.
Tại Khánh Hòa, lũ trên các sông đã đạt đỉnh. Hiện 8/10 hồ chứa ở Khánh Hòa đang xả lũ khiến hầu hết các khu vực trên địa bàn bị ngập sâu từ 0,5 đến 1,5 m.
2009 – Thủy điện A Vương “nhấn chìm” Quảng Nam
Vào đầu tháng 10/2009, cơn bão số 9 (Ketsana) ập đến đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung. Cùng lúc đó người dân Quảng Ngãi lại phải đối mặt với một trận lụt kinh hoàng khi gần 150 triệu m3 nước của đập thủy điện A Vương được xả dồn dập, khiến hàng trăm nghìn dân ở hạ lưu sông Vu Gia và Thu Bồn không kịp trở tay, nước ngập trắng trời. Mực nước trên sông Vu Gia vượt trên đỉnh lũ năm 1999 đến 1,5m.
Toàn cảnh ngập lụt tại Quảng Nam vào ngày 30/9. (Ảnh: Getty Image)
Bắt đầu từ 14h ngày 29/9/2009, giữa lúc cơn bão Ketsana bắt đầu đổ bộ vào các tỉnh miền Trung thì thủy điện A Vương bắt đầu xả lũ với lưu lượng 1.000 m3/s sau đó tăng lên 3.000m3/s vào lúc 17h cùng ngày.
Hậu quả chỉ sau 6 giờ đồng hồ, lũ trên các sông Vu Gia – Thu Bồn đã vượt báo động 3 gần 2m nước, hơn 30.000 hộ dân huyện Đại Lộc bị nước lũ nhấn chìm.
Ngay trong đêm 29/9 và ngày 30/9, lũ lụt tràn về đã khiến QL1A ách tắc nghiêm trọng. Tại huyện Quế Sơn, nước lũ đã gây ngập mặt đường khoảng 1,5m làm khiến hàng trăm phương tiện giao thông từ miền Nam ra và miền Bắc vào bị kẹt cứng tại đây, ùn tắc hàng km.
Ngày 30/9, tại Hội An, mực nước đo được tại khu vực các phường Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Phô.... ngập sâu đến hơn 3 mét, bằng đỉnh lũ lịch sử năm 2007. Ban PCLB phải chỉ đạo gấp rút sơ tán dân lên nơi cao ráo, an toàn.
Phố cổ Hội An ngập lưng chừng nước vào ngày 29/9. (Ảnh VTC)
Sau bão lũ hơn nửa tháng, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam mới ngồi lại để truy xét tìm ra thủ phạm, một cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra giữa một bên là Cty CP thủy điện A Vương và một bên là lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Ngày 17/10, báo Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Thanh Quang - GĐ Sở NN&PTNT Quảng Nam “Tôi khẳng định, thủy điện A Vương xả lũ ngay trong các ngày 29 và 30/9 đã "góp phần "gây lũ lụt nặng cho vùng hạ du, cụ thể là huyện Đại Lộc”.
Báo PL TPHCM cũng trích dẫn ý kiến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết lãnh đạo tỉnh chỉ cho phép xả lũ hơn 4 tiếng thì thủy điện A Vương lại xả tới 2 ngày 2 đêm.
Đáp trả lại ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Lê - Chủ tịch HĐQT Cty CP A Vương, khẳng định: “Thủy điện A Vương không có gì sai trong công tác vận hành xả lũ trong bão số 9 vừa qua. Trái lại, nhờ có đập thủy điện A Vương, hạ du mới có phần bớt lũ”.
Ông Lê dẫn chứng, việc xả lũ ở thủy điện A Vương trong hai ngày 29 và 30/9 chỉ mới bằng 1/14 lưu lượng nước đổ về dòng Vu Gia và Thu Bồn. Ngoài ra, ông Lê cũng cho rằng, việc điều tiết lũ ở hồ A Vương là hạn chế, bởi diện tích mặt hồ chỉ có 9,1km2 là quá nhỏ, lúc cao trình chỉ chứa được 199 triệu m3 do vậy việc xả lũ là tất yếu.
Trong khi đó ông Quang lại tiếp tục gay gắt: “Xả lũ đúng quy trình nhưng gây thiệt hại cho vùng hạ du thì còn nói làm gì ? Vấn đề cốt yếu là xả như thế nào để cho dân bớt khổ”.
Buổi “rút kinh nghiệm” kết thúc với kết luận bỏ ngỏ rằng sẽ đợi kết luận chính thức từ Ban chỉ huy phòng chống bão lũ trung ương.
2007 – Rào Quán xả nước, Quảng Trị thoi thóp
Ngay trong đêm ngày 3/10/2007, Quảng Trị đã tạnh hẳn mưa, nước đã bắt đầu rút từ sau ảnh hưởng của cơn bão số 5 trước đó nhưng đến sáng ngày 4/10 nước lũ lại ồ ạt dâng nhanh bất ngờ, khiến hàng nghìn hộ dân ngập chìm trong lũ.
Dù không mưa nhưng huyện Triệu Phong vẫn bị nước lũ bao vây tứ phía. (Ảnh: Internet)
Huyện Triệu Phong là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất. Tại thôn Đại Hòa (xã Triệu Đại) đường liên thôn bị chìm sâu cả mét nước khiến việc đi lại của người dân bị phong tỏa hoàn toàn, hàng trăm hecta rau màu vụ đông chủ yếu là khoai lang, lạc bị nước lũ nhấn chìm, mất trắng.
Thôn Quảng Điền cũng phải hứng chịu tình trạng tương tự, đường giao thông liên thôn có nơi ngập đến gần 1m, người dân phải rẽ nước bằng thuyền để di chuyển.
Khi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện bất thường của lũ thì được biết trong những ngày mưa bão, hồ thủy lợi, thủy điện Rào Quán đã xả nước trong hồ với tốc độ 200m3/s. Dung lượng nước xả khoảng 15 triệu m3. Đây chính là nguyên nhân khiến mực nước ở hạ lưu sông Thạch Hãn dâng cao.
Tuy nhiên điều đáng bàn là trước khi xả lũ, chính quyền đã không hề thông báo cụ thể cho dân mà chỉ phát tin trên truyền hình địa phương, trong khi đó vì ảnh hưởng của bão, các hộ dân tại khu vực nói trên vẫn chưa có điện trở lại.
Việc xả lũ để tránh vỡ đập, kè là điều hoàn toàn hợp lý, nhưng nên chăng công tác này phải được tính toán kỹ lưỡng chứ không thể đơn thuần chỉ quan tâm ồ ạt xả lũ ở thượng lưu, bỏ mặc dân chúng ở hạ du lao đao chống ngập.