Lev Pontryagin - Từ cậu bé mù trở thành nhà toán học vĩ đại của Nga

Lev Pontryagin đã sống hết mình và trở thành nhà toán học vĩ đại của Nga.

Trang tư liệu Nga Russia Beyond (RBTH) cho biết, Lev Pontryagin đã nỗ lực vượt qua những khó khăn một cách đáng kinh ngạc. Ông tạo ra sự khác biệt lớn cho khoa học thế giới và thậm chí còn ngăn chặn kế hoạch sai lầm nhằm chuyển các dòng sông Siberia đến vùng đất khô cằn ở Trung Á.

Vào một ngày tồi tệ năm 1921, một bi kịch đã xảy ra với cậu học sinh Liên Xô có tên Lev Pontryagin. Một chiếc bếp lò bị hỏng đã phát nổ khi cậu học sinh đang cố gắng sửa chữa nó. Tai nạn này đã khiến cậu bé bị mù.

Cha của Lev Pontryagin chứng kiến vụ tai nạn xảy ra với con trai và hoàn toàn suy sụp sau đó. Tuy nhiên, Lev Pontryagin đã không bỏ cuộc. Cậu bé không chỉ sống sót mà còn trở thành một nhà khoa học vĩ đại và nổi tiếng toàn cầu.

Những năm đầu khó khăn


Lev Pontryagin những năm đầu đời. (Ảnh: RBTH).

Những năm đầu tiên sau vụ tai nạn là những năm khó khăn nhất của Lev Pontryagin. Tưởng như con đường học hành của Pontryagin đã kết thúc nhưng những người bạn cùng lớp đã hỗ trợ cậu bé rất nhiều. Những người bạn đã tới nhà, đọc lại cho Pontryagin nghe những gì giáo viên dạy và giúp cậu với bài tập về nhà.

Pontryagin chăm chỉ học chơi piano và thử sức mình với những món đồ thủ công. Tuy nhiên, cuối cùng, toán học đã trở thành niềm đam mê của cậu. Mẹ Pontryagin, bà Tatiana Andreyevna là một thợ may đã hỗ trợ con trai của mình rất nhiều trong việc tìm hiểu về khoa học.

Pontryagin nhớ lại: "Mẹ đã giúp tôi làm bài tập về nhà, đọc sách cho tôi, trong đó có cả những cuốn sách về toán học. Và thật tình cờ, những cuốn sách đó đã vượt xa chương trình tôi có thể học ở trường".

Người mẹ hết lòng vì con trai này đó đã trở thành "thư ký" của nhà toán học đại tài. Mỗi ngày, bà đọc cho con trai nghe hàng chục trang công thức toán học. Điều khó khăn nhất đối với Tatiana Andreevna là giải thích cho Lev những dấu hiệu toán học mà con trai không nhìn thấy. Đối với mỗi ký hiệu toán học như vậy, bà đã "phát minh" ra các ký hiệu đặc biệt cho con mình. Pontryagin chưa từng sử dụng bảng chữ nổi Braille (bảng chữ cái dành cho người khiếm thị).

Năm 1925, Pontryagin hoàn thành xuất sắc việc học và vào học tại Khoa Vật lý và Toán học tại Đại học Moscow. Tại các lớp học, ông không ghi chép lại mà thay vào đó là cố gắng ghi nhớ mọi thứ. Ở tuổi 27, Pontryagin đã trở thành tiến sĩ vật lý và toán học.


Cha mẹ của Lev Pontryagin. (Ảnh: RBTH).

Sống hết mình

Ở mọi giai đoạn của cuộc đời, mẹ vẫn là người hỗ trợ tuyệt vời cho Pontryagin. Pontryagin có một trí nhớ phi thường và có thể lưu giữ một lượng thông tin khổng lồ trong đầu.

Nhà khoa học người Nga đã sống hết mình. Ông hầu như không sử dụng bất cứ thiết bị đặc biệt nào. Ông đi lại mà không cần chống gậy và cũng không cần tới sự giúp đỡ của người khác. Vì vậy, ông thường xuyên bị ngã. Tuy nhiên, ông luôn đứng dậy và đi tiếp.

Pontryagin thậm chí còn học khiêu vũ, trượt tuyết và trượt băng. Nhà toán học xuất sắc này là tác giả của khoảng 300 ấn phẩm, trong đó có một số đầu sách chuyên khoa và giáo trình.


Lev Pontryagin. (Ảnh: Sputnik).

Vì những đóng góp của mình cho khoa học, ông đã được trao một số giải thưởng nhà nước của Liên Xô và các giải thưởng cao khác, trở thành thành viên danh dự của Viện Hàn lâm Du hành vũ trụ Quốc tế, Hội Toán học Luân Đôn và Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, đồng thời là Tiến sĩ Khoa học danh dự của Đại học Salford (Anh).

Lev Semyonovich đã làm rất nhiều để ngăn cản dự án còn nhiều vướng mắc là chuyển một số con sông ở Siberia sang các vùng khô cằn ở Trung Á. Nhà toán học đã tính toán những hậu quả bất lợi của dự án này và gửi một lá thư cá nhân cho nhà lãnh đạo đất nước lúc bấy giờ là Mikhail Gorbachev.

Để vinh danh ông, một tiểu hành tinh và một con phố ở Moscow đã được đặt theo tên của nhà toán học vĩ đại. Đồng thời, ông cũng được dựng 2 bức tượng bán thân, một trong số 2 bức tượng này nằm ở Thư viện Nhà nước dành cho người khiếm thị của Nga.

“Tại sao Lev Semyonovich lại làm được nhiều điều như vậy?” đồng nghiệp của Pontryagin, nhà toán học Igor Shafarevich tự hỏi. “...Tôi nghĩ, bởi vì anh ấy đã liên tục vượt qua các giới hạn để làm điều phi thường".

Cập nhật: 01/08/2023 Phụ Nữ Số
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video