Lịch sử thư viện cổ Alexandria

Thư viện Alexandria nổi tiếng là kho lưu trữ kiến thức cổ đại.

Theo truyền thuyết, thư viện được thành lập vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên (TCN) và bị phá hủy vào khoảng cuối thời kỳ La Mã, chứa đến hàng triệu văn bản đã được lập danh mục. Hiện các học giả vẫn tranh luận về việc liệu thư viện này có thực sự tồn tại và khi nào nó bị hủy diệt.

Sự ra đời của đại thư viện

Alexander Đại đế (356 - 323 TCN) nổi tiếng vì đã xây dựng đế chế rộng lớn chỉ trong hơn một thập niên, từ khi kế vị ngai vàng Macedonia vào năm 336 TCN, cho đến lúc qua đời sớm vào năm 323 TCN. Di sản bền vững của Alexander bắt nguồn từ hàng chục thành phố mà ông thành lập, bao gồm khoảng 15 thành phố mang tên Alexandria.

Nhưng không thành phố nào quan trọng hơn Alexandria của Ai Cập, được thành lập vào năm 330 TCN. Alexandria là một vùng đất nằm ở phía Tây Đồng bằng sông Nile, gần làng chài Rhakotis, một thành phố mới thịnh vượng, gây kinh ngạc cho du khách bằng sự giàu có của nó.

Được thiết kế bởi kiến trúc sư Dinocrates của Alexander, Alexandria nổi bật với kiến trúc đồ sộ, một bến cảng lớn, ngọn hải đăng Pharos, Bảo tàng và nổi tiếng nhất là đại thư viện, từng được xem thủ đô trí tuệ của thế giới Hy Lạp cổ.

Là một thành bang nổi tiếng thế giới, Alexandria chịu ảnh hưởng của Hy Lạp về ngôn ngữ, văn hóa và định hướng chính trị nhưng lại mang tính toàn cầu về dân số. Người Hy Lạp cùng tồn tại với người Ai Cập, Ba Tư, Do Thái, Ấn Độ và cuối cùng là người La Mã.


Tranh tái hiện thư viện cổ Alexandria của một họa sĩ.

Bằng chứng văn bản đầu tiên về đại thư viện là từ Thư viện của Aristeas vào thế kỷ thứ 2 TCN. Tuy nhiên, một số nhà sử học xem văn bản này là một nguồn tài liệu giả mạo, được cho là do một quan chức thuộc triều đình Ptolemy II Philadelphus (309 - 246 TCN) viết ra.

Các tác giả vào thời La Mã sau này, Strabo và Plutarch, đặt nguồn gốc của thư viện dưới thời trị vì của Ptolemy ISoter. Plutarch viết về Demetrius ở Athen, người bị lưu đày, đã đề xuất xây dựng một bảo tàng, hoặc đền thờ các thần Muses và thư viện đi kèm tại cung điện của Ptolemy I ở Alexandria. Ptolemy I muốn hệ thống hóa nhật ký và lịch sử cá nhân của Alexander Đại đế, chủ tướng của mình.

Kế hoạch của Demetrius là một giải pháp để đạt được mục đích này. Vào cuối triều đại của mình, Ptolemy I được cho là đã thu thập hơn 50.000 văn bản nằm lộn xộn tại các căn phòng trong cung điện và tạo thành bộ phận chính yếu của kho lưu trữ được đề xuất bởi Demetrius.

Ptolemy III Eugertes (280 - 222 TCN) tiếp tục công việc xây dựng đại thư viện, mở rộng các bộ sưu tập. Theo các tài liệu, ông đã cử người đi khắp Địa Trung Hải để lùng sục các hiệu sách, tìm mua bản in các tác phẩm cổ điển.

Ngay cả trước khi Ptolemy III mở rộng bộ sưu tập, một thư viện thứ hai hoặc thư viện con đã được thành lập, có lẽ tại Đền Serapis, để chứa bộ các sưu tập ngày càng nhiều thêm. Các thư viện cá nhân rất phổ biến trong thế giới cổ đại, nhưng thư viện công cộng, đặc biệt với quy mô đầy tham vọng của Alexandria, là một sự đổi mới. Giống như một trường đại học, Bảo tàng và Thư viện tại Alexandria là nơi lưu trữ sách và chỗ làm việc của các học giả.

Thủ thư vĩ đại nhất của Alexandria là nhà thơ Callimachus của Cyrene (310 - 240 TCN). Ông đã đổi mới hệ thống mục lục, bao gồm 120 tập riêng biệt, ghi lại tám loại văn bản được lưu giữ ở Alexandria. Các danh mục, mà Callimachus gọi là Pinakes, hoặc danh sách, bao gồm chi tiết tiểu sử và thư mục trên mỗi nguồn.

Tác phẩm của ông được cho là bao gồm các tham khảo liên quan đến tất cả các tác phẩm văn học cổ điển được biết vào thời của ông. Ngoài ra, ông còn sắp xếp các văn bản của thư viện theo thể loại, sau đó theo thứ tự bảng chữ cái.

“Ở thời kỳ đỉnh cao, thư viện lưu giữ khoảng nửa triệu tác phẩm viết riêng biệt. Chủ đề của những cuộn giấy cói này chứa đựng toàn bộ kiến thức về thế giới [phương Tây] cổ đại, từ các tác phẩm văn học, triết học, giải thích khoa học cho đến tôn giáo, thần thoại và y học”, Willeke Wendrich, giáo sư khảo cổ học tại Đại học California, Los Angeles, cho biết. Nổi bật trong số đó là tác phẩm của các triết gia Hy Lạp nổi tiếng thời cổ đại như Plato, Aristotle, Pythagoras; các nhà thơ và nhà soạn kịch (Aeschylus, Sophocles, Euripides, Sappho, Pindar, Hesiod), sách y học của Hippocrates; các nghiên cứu khoa học của Thales, Democritus và Anaximander…

Ngoài văn hóa Hy Lạp, các thủ thư của thư viện cũng thu thập những tác phẩm đến từ nhiều nền văn hóa khác, bao gồm Ai Cập cổ đại, Babylon, Ba Tư, Assyria và Ấn Độ. Ngoài ra, thư viện cũng là nơi lưu giữ các tài liệu liên quan đến Do Thái giáo, Hỏa giáo và Phật giáo.

Những người cai trị thuộc triều đại Ptolemy đã cử người đi khắp nơi để thu thập và ghi chép lại gần như tất cả các tài liệu trên thế giới. Họ sẽ mua bất kỳ bản thảo nào mà họ có thể tìm thấy, trong đó ưu tiên bản cũ nhất và nguyên bản nhất. Họ sẵn sàng trả một số tiền lớn cho những bản thảo chất lượng. Thậm chí trong triều đại của Ptolemy III Euergetes, tất cả các tàu thuyền ghé vào bến cảng của thành phố đều phải giao nộp bất kỳ tài liệu nào có trên tàu. Một nhóm người sẽ có nhiệm vụ sao chép lại, giữ bản gốc và gửi bản sao trở lại các con tàu.

Khi các cuộn sách giấy cói trở nên nhiều đến mức không thể chứa chúng trong một tòa nhà duy nhất, những người cai trị đã xây dựng thêm một thư viện thứ hai, gọi là Serapeum, vào giữa năm 246 – 222 TCN.

Thư viện bị hủy hoại ra sao?

Đại thư viện đã phải chịu một loạt tai nạn hoặc bị phá hủy có chủ đích. Julius Caesar thường bị đổ lỗi cho vụ hỏa hoạn đầu tiên tại thư viện. Sau chiến thắng tại trận Pharsalus năm 48 TCN, Julius Caesar truy đuổi đối thủ từng đánh bại của mình, Pompeius Magnus, đến tận Ai Cập. Caesar đến Alexandria vào lúc cuộc nội chiến nổ ra giữa vị vua trẻ Ptolemy XIII (62 - 47 TCN) và chị gái Cleopatra VII (69 - 30 TCN).


Họa sĩ O.Von Corven thuộc thế kỷ 19 đã thể hiện hoạt động của thư viện Alexandria dựa trên bằng chứng khảo cổ.

Khi ở Ai Cập, lực lượng của Ptolemy XIII đã bao vây Caesar và quân của ông ta tại bến cảng ở Alexandria. Caesar chỉ huy lực lượng của mình phóng hỏa hạm đội của Ptolemy XIII. Nhưng những cơn gió mùa hè đã làm đám cháy lây lan từ cảng sang các nhà kho và có lẽ vào cả thành phố.

Plutarch cho biết trong quyển Cuộc đời của Caesar vào thế kỷ thứ 2 sau CN về việc đốt một phần tài sản của thư viện, có thể là các kho bên bến tàu nhưng cũng có thể là chính đại thư viện. Các nhà sử học đặt câu hỏi liệu đám cháy này, nếu nó xảy ra, hoàn toàn là ngẫu nhiên, hay một hành động cố ý của Caesar nhằm loại bỏ thư viện.

Là thủ đô tri thức của Ai Cập, Alexandria tự hào về một tầng lớp dân chúng giàu có và thông minh. Cho đến năm 391 CN, một cuộc bạo động ở Alexandria tập trung vào Đền Serapis, Serapeum, có thể đã dẫn đến việc thiêu rụi cả thư viện con và đại thư viện.

Việc xây dựng một thư viện mới ở Alexandria vào năm 2002 là một “sự kế thừa tinh thần” của kho tri thức cổ xưa. Mặc dù không còn nữa, đại thư viện lớn của Alexandria cổ đại vẫn là một kỳ quan tri thức của thế giới và là nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau này.

Thư viện Alexandria được cho là địa chỉ tham khảo quy mô chưa từng có. Ước tính, đại thư viện có các bộ sưu tập từ 40.000 cuộn sách đến 1.000.000 văn bản. Cuộn, thay vì sách, là định dạng điển hình cho các văn bản. Nhiều cuộn giấy cói có thể bao gồm một cuốn sách hoặc tập, điều này có thể giải thích cho sự chênh lệch thống kê này.
Cập nhật: 03/03/2022 Theo GDTĐ/KHPT
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video