Liệu có nên đeo kính áp tròng ban đêm?

Đeo kính áp tròng ban đêm là phương pháp điều trị tật khúc xạ không phẫu thuật đang được áp dụng ngày càng rộng rãi hiện nay. Kính áp tròng ban đêm có khả năng điều chỉnh độ cong của bề mặt giác mạc của mắt, giảm mức độ cận, giúp người bị cận thị có thị lực tốt cho mọi hoạt động bình thường vào ban ngày.

1. Kính áp tròng ban đêm là gì?

Để điều chỉnh tật khúc xạ của mắt, có nhiều phương pháp được áp dụng như đeo kính gọng, đặt kính áp tròng và phẫu thuật. Đeo kính gọng là phương pháp thông dụng nhưng có nhiều hạn chế như gặp bất lợi khi chơi các môn thể thao, kính bị nhòe mờ khi đi trời mưa,... Với phương pháp phẫu thuật Lasik, bệnh nhân chỉ được thực hiện khi đã đủ 18 tuổi. Vì vậy, những người bị cận thị chưa đủ tuổi phẫu thuật hoặc cảm thấy phiền toái bởi kính gọng truyền thống có thể lựa chọn một phương pháp trị liệu khác chính là sử dụng kính áp tròng ban đêm.

Kính áp tròng ban đêm (kính ortho-k) có đường kính dưới 12mm, nằm trên bề mặt giác mạc, là phần lòng đen của mắt. Kính sẽ được đặt vào mắt ngay trước khi đi ngủ buổi tối, lấy ra khi thức dậy và buổi sáng, dùng thay thế cho các phương pháp sử dụng kính khác vào ban ngày.

Về cơ chế trị liệu, kính áp tròng ban đêm được thiết kế riêng cho từng mắt có khả năng điều chỉnh thị lực ban ngày cho người có tật khúc xạ nhờ tính chất đàn hồi tự nhiên của giác mạc. Người có tật khúc xạ thực hiện đeo kính áp tròng ban đêm, cùng với lực tác động của mi mắt khi nhắm mắt ngủ sẽ dần dần tạo khuôn nhẹ, làm thay đổi độ cong của giác mạc trong một khoảng thời gian vào ban ngày.


Người cận thị không muốn dùng kính gọng có thể thay bằng kính áp tròng ban đêm.

2. Ưu, nhược điểm khi đeo kính áp tròng ban đêm chỉnh tật khúc xạ

2.1 Ưu điểm

  • Khống chế mức độ tiến triển của tật cận thị nói riêng và tật khúc xạ nói chung
  • Người bị tật khúc xạ không còn lệ thuộc vào kính gọng hoặc kính áp tròng ban ngày mà vẫn nhìn rõ. Điều này giúp người bệnh không bị hạn chế khi hoạt động thể thao, đồng thời làm tăng tính thẩm mỹ;
  • Nhiều bệnh nhân sau khi đeo kính áp tròng ban đêm đã bỏ được kính;
  • Có thể áp dụng cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ em có mức độ tiến triển nhanh của tật khúc xạ
  • Vì tác động điều chỉnh độ tật khúc xạ của mắt là tạm thời nên người dùng có thể ngưng đeo kính bất cứ khi nào muốn mà không lo lắng tới các tác dụng phụ để lại.

2.2 Nhược điểm

  • Kính áp tròng ban đêm chỉ điều trị được tật cận thị, loạn thị, chưa điều trị được viễn thị;
  • Người có cơ địa dị ứng hoặc có bệnh lý trên bề mặt giác mạc như khô mắt được khuyến cáo không sử dụng phương pháp điều trị này;
  • Người có đặc thù công việc phải thức khuya hoặc người bị khó ngủ không được sử dụng loại kính này vì thị lực sẽ không được cải thiện nhiều nếu hôm trước ngủ ít hoặc mất ngủ.

3. Lưu ý khi sử dụng kính áp tròng ban đêm

  • Khi bệnh nhân quyết định đặt kính áp tròng ban đêm, cần thực hiện một quy trình khám toàn diện về các thông số như độ khúc xạ, bề dày giác mạc,...;
  • Tuân thủ chế độ bảo quản, giữ gìn kính tránh bị nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm;
  • Trước khi dùng kính cần phải rửa tay bằng xà phòng, lau khô tay, sử dụng nước rửa kính chuyên dụng để không gây nhiễm khuẩn cho mắt;
  • Nếu tháo - đặt kính không đúng cách có thể gây sưng, cộm mắt, mờ mắt. Khi gặp triệu chứng này, bệnh nhân cần ngừng sử dụng kính, đi khám lại tại cơ sở y tế chuyên khoa mắt;
  • Người sử dụng kính áp tròng ban đêm cần ngủ đủ giấc, ít nhất 6 - 8 tiếng/đêm để hôm sau có thị lực tốt;
  • Thay kính đúng hạn định, không đeo quá thời hạn sử dụng của kính;
  • Tái khám định kỳ: Tái khám 1 tuần,1 tháng ,3 tháng ,6 tháng sau khi đeo kính lần đầu tiên.

Đeo kính áp tròng ban đêm là biện pháp hữu hiệu để điều chỉnh các tật khúc xạ. Khi lựa chọn phương pháp trị liệu này, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất, tránh nguy cơ biến chứng.

Cập nhật: 21/03/2022 Theo Vinmec
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video