Một sinh vật khổng lồ, cuồn cuộn cơ bắp, vuốt như dao găm… có thể là vị tổ tiên đã mất của những con thú có túi hiền lành ở Úc.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Monash (Melbourne, Úc) đã dùng 60 mẫu hóa thạch ở các độ tuổi địa chất khác nhau để tái hiện chân dung một sinh vật chưa ai biết đến, được đặt cho cái tên khoa học là palorchestid.
Palorchestid hay Palorchestes azael (bên trái) khi đứng cạnh một con heo vòi thông thường (giữa) và con người (phải) - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).
Sinh vật lạ được mô tả là một "quái vật" mang hộp sọ của một chú heo vòi với phần mõm dài đặc trưng, nhưng nặng tới 1.000kg. Nó có một bộ "vuốt dao găm" đáng sợ, phần chân trước cực kỳ cơ bắp nhưng lại không có khớp ở khuỷu – đặc điểm chưa từng có ở bất kỳ người họ hàng nào còn sống hay tuyệt chủng của nó. Con vật cũng có đôi mắt nhỏ, cái lưỡi luôn thòi ra. Nó được xác định thuộc cận lớp thú có túi (Marsupialia).
Ước tính sinh vật này đã lang thang ở nước Úc 25 triệu năm về trước. Nó có một người anh chị em họ nổi tiếng hơn là Diprotodontidae, cũng là một sinh vật to lớn kỷ Pleistocene mang dáng hình gần giống con gấu trụi lông.
Một vài mẫu hóa thạch của palorchestid. Các mẫu hóa thạch phục vụ nghiên cứu được lấy từ các bảo tàng khắp nước Úc và Úc và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh) - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).
Tuy nhiên khác với những người họ hàng hay đào bới để tìm thức ăn, bộ vuốt dao găm quá lớn và 2 chân trước không khuỷu của palorchestid dường như không phù hợp với việc đào đất. Vì vậy, cách chúng sinh sống, những gì chúng ăn vẫn còn là điều bí ẩn.
Bí ẩn lớn khác là palorchestid dường như tuyệt chủng sớm hơn các loài động vật khổng lồ khác. Càng tiến hóa, loài vật này có vẻ càng to lớn hơn và càng cô độc. Palorchestid phân bố khá thưa thớt trên khắp nước Úc, khác với các loài anh chị em hay sống và du cư theo bầy đàn.
Vì vậy, sau màn tái hiện chân dung ngoạn mục trên tạp chí khoa học PLOS ONE, các nhà khoa học dự định tiến hành một số phân tích chức năng, cơ học sinh học để hiểu rõ hơn cuộc sống của chúng và lý do chúng trở thành một sinh vật lạ lùng, dị biệt đến vậy.