Một kiểu lò hầm than tận dụng nhiệt từ khí thải sau quá trình đốt củi, vừa được thạc sĩ Phạm Thị Thùy Phương và các cộng sự thuộc phòng quá trình và thiết bị Viện Công nghệ hóa học nghiên cứu, chế tạo thành công.
Không dùng củi để đốt nhưng lò vẫn đỏ rực nhờ khí nhiệt phân - (Ảnh: P.NHI)
Đó là lò hầm than nhiệt phân với ba buồng: buồng đốt, buồng tận dụng nhiệt từ khí thải và buồng than hóa.
Buồng đốt và buồng tận dụng nhiệt được thiết kế thông nhau, hỗ trợ cho nhau, buồng than hóa sẽ thiết kế riêng rẽ nhằm tối đa hóa hiệu suất, tránh hư hại sản phẩm. Lò hầm than từ khí thải này sẽ tiêu tốn rất ít năng lượng, giảm thiểu đến 75% các loại khí có hại thải ra môi trường và giảm khoảng 2/3 thời gian ra thành phẩm.
Theo kết quả nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu công nghệ thân thiện với môi trường” của hội đồng khoa học do Sở Khoa học - công nghệ Sóc Trăng lập, hiệu suất than hóa trung bình của lò hầm than nhiệt phân đạt gần 40%, thậm chí có lúc đạt 60%, cao gần gấp đôi so với cách sản xuất than kiểu lò hầm truyền thống.
So sánh về tác động đối với môi trường, các loại khí nguy hại như CO, NOx, SO2, NO, bụi đều giảm thiểu đến mức tối đa. Chẳng hạn như khí NOx đã giảm từ mức 4.312ppm xuống còn 20ppm, SO2 từ 532ppm xuống còn 4ppm...