Lo sợ rác thải nhựa, nhưng bạn có bỏ qua thứ mình hít thở hàng ngày?

Gần đây, “sống xanh” đang trở thành xu hướng mới, nhưng việc chỉ quan tâm đến giảm thải rác nhựa đã đủ giúp bạn sống xanh hay chưa?

Gần đây, cụm từ “ô nhiễm không khí” thường được nhắc đến như vấn đề toàn cầu mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt, bên cạnh những lo ngại về ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa.

Rác thải nhựa không là vấn đề duy nhất

Theo báo cáo được công bố vào năm 2017 trên tạp chí ScienceAdvances, thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa. Hai phần ba trong tổng số đó hiện là rác thải, phần lớn đang nằm trong các bãi rác hay ngoài môi trường tự nhiên, kéo theo mức độ gia tăng ô nhiễm.

Trong báo cáo của The Guardian, các nhà khoa học Anh đã cảnh báo khả năng khó phân hủy và số lượng quá lớn rác thải nhựa sẽ khiến kỷ nguyên về địa chất trên Trái Đất chấm dứt, bước sang một trang mới hoàn toàn.


Chúng ta thường chỉ tốn khoảng 10 phút (hoặc ít hơn) khi sử dụng một chiếc túi nylon nhưng chính bản thân nó phải mất từ 10 đến 1.000 năm để phân hủy.

Plastic cũng là tác nhân lớn gây nên thảm họa ô nhiễm không khí trên toàn cầu thông qua quá trình xử lý bằng cách đốt cháy. Theo thống kê từ WHO, mỗi người ăn khoảng 1,3 kg thực phẩm, uống 1,2kg nước nhưng hít thở đến 18 kg không khí mỗi ngày, cộng thêm lượng khói bụi ô nhiễm bao phủ quanh cơ thể, tích tụ trên toàn bộ bề mặt da.

Rác thải nhựa thực sự đáng sợ, nhưng dường như chúng ta đang bỏ quên một yếu tố khác cũng đang ngày ngày “xâm lấn” cuộc sống, gây ra những hệ quả khôn lường. Đó chính là ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM2.5.

Đây cũng là lý do Liên Hợp Quốc chọn chủ đề “Ô nhiễm không khí là trọng tâm” cho Ngày môi trường thế giới 2019, sau chủ đề “nóng” của năm 2018 về chống lại ô nhiễm chất thải nhựa đã được hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ.


Tổ chức WHO đã xếp bụi mịn là tác nhân gây ung thư số 1 trên thế giới.

Theo số liệu nghiên cứu trên tạp chí European Heart Journal, 8,8 triệu người tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí. Như vậy, hoạt động bình thường nhất có thể là hít thở đang gây tử vong nhiều hơn cả hút thuốc lá - lý do gây tử vong cho 7,2 triệu người trên thế giới vào năm 2015 (theo WHO) và cao hơn 6 lần số người tử vong do AIDS (khoảng 1,2 triệu người).

Tại Việt Nam, theo báo cáo do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tại Hội nghị toàn cầu về ô nhiễm không khí và sức khỏe năm 2018, hơn 60.000 người tử vong do liên quan đến các bệnh về ô nhiễm không khí trong năm 2016. Hàng loạt địa phương từ đô thị tới nông thôn lâm vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng do mật độ bụi mịn tăng cao.

Bụi mịn PM2.5 và chuyện chưa kể

Dữ liệu của WHO năm 2018 cho thấy, cứ 10 người thì có 9 người phải hít thở bầu không khí có chứa các chất gây ô nhiễm ở mức cao. Đặc biệt, khoảng 10% trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp, là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong nhóm tuổi này, chỉ sau sinh non. Nguyên nhân chính là do bụi PM2.5.

Với kích thước rất nhỏ chỉ bằng 1/30 sợi tóc người, bụi mịn có thể xuyên qua các lớp vải và khẩu trang. Loại bụi này cũng chứa nhiều chì và kim loại nặng, nên phế quản không thể lọc được. Do đó, chúng có thể đi thẳng vào hệ tuần hoàn, dẫn đến suy giảm chức năng phổi, khiến bệnh tim và hen suyễn nặng hơn, thậm chí gieo mầm bệnh ung thư.

Không dừng ở đó, bụi PM2.5 cũng có thể đi vào trong mạch máu và di chuyển khắp cơ thể phá hoại những cơ quan khác. Chẳng hạn, bụi PM2.5 thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn chức năng gan, gây kháng insulin, góp phần vào sự phát triển của bệnh tiểu đường.

Đột quỵ cũng là điều không thể tránh khỏi khi bụi PM2.5 làm vỡ các mảng chất béo ở thành mạch máu, tạo các cục máu đông ngăn máu chảy đến tim và não. Nghiêm trọng nhất là bụi mịn có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh (theo một nghiên cứu của Mỹ được công bố vào năm 2015).

Ngoài ra, bụi mịn PM2.5 còn gây tắc nghẽn lỗ chân lông, khiến da nhạy cảm hơn, tăng sắc tố da, dẫn đến nhiều dấu hiệu lão hóa sớm.

Do đó, các đối tượng nhạy cảm như trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai những người làm việc ngoài trời, thường xuyên hoạt động trong môi trường độc hại, ô nhiễm, sống gần khu công nghiệp cần cẩn thận đề phòng biến chứng từ bụi mịn.

Chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người đang ngày càng giảm đi trước sự ô nhiễm của môi trường. Bên cạnh vấn đề rác thải nhựa, việc chủ động tìm cho mình một phương án bảo vệ trước tình trạng phơi nhiễm bụi mịn bị động cũng nên được xếp vào mối quan tâm hàng đầu.

Cập nhật: 10/08/2019 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video