Chất độc của một loài bọ cạp ở châu Phi có thể khiến con mồi hoặc kẻ thù co giật, sùi nước bọt, tiết nước mắt, tiểu tiện liên tục cho tới khi trút hơi thở cuối cùng.
Bọ cạp phun độc Nam Phi (Parabuthus transvaalicus) là tên của một trong những loài bọ cạp có nọc độc đáng sợ nhất thế giới. Chúng có tên như vậy vì chúng luôn phun chất độc về phía đối thủ hoặc con mồi trước khi tấn công bằng đuôi. (Ảnh: Newscientist)
Chiều dài cơ thể của bọ cạp phun độc Nam Phi đạt 9 tới 11cm. Cơ thể chúng có màu nâm sẫm hoặc đen. Chúng phân bố ở sa mạc, các vùng đồng cỏ và bán hoang mạc ở các nước trong khu vực phía nam châu Phi như Zimbabwe, Mozambique, Nam Phi, Botswana.
Cơ thể bọ cạp Parabuthus transvaalicus tiết ra một loại chất độc có khả năng khiến con người cười, co giật tới khi tử vong. Khi các nhà khoa học tiêm chất độc ấy vào chuột, cơ thể chúng vẫn co giật khoảng 30 giây sau khi chúng chết.
Các nhà khoa học sửng sốt khi biết bọ cạp chỉ cần một lượng chất độc tương đương 20 phần tỷ của gram để giết một con chuột có khối lượng 20 gram.
Giới nghiên cứu phát hiện bọ cạp phun độc Nam Phi sở hữu tới 3 loại chất độc. Mỗi loại chất độc phục vụ một mục đích riêng biệt.
Một số nhà khoa học tin rằng chất độc mà chúng phun đầu tiên là loại có độc tính thấp nhất, còn chất độc mà chúng tiết vào cơ thể con mồi từ đuôi có độc tính cao hơn.
Chất độc càng lợi hại thì năng lượng dành cho việc sản xuất nó càng lớn. Vì thế, bọ cạp chỉ cần phun chất độc nhẹ để dọa kẻ thù hoặc giết những con mồi nhỏ. Chúng sẽ dùng đuôi khi con mồi chưa chết hoặc kẻ thù chưa hoảng sợ.
Cách sử dụng nọc độc như thế giúp bọ cạp bảo toàn năng lượng cho những hoạt động quan trọng khác.