Loài cá lớn nhất hành tinh đối diện nguy cơ tuyệt chủng vì tai nạn giao thông

Bởi cá voi thực sự là động vật có vú chứ không phải cá, danh hiệu loài cá lớn nhất hành tinh lúc này thuộc về loài cá mập voi (Rhincodon typus). Những con cá này có thể dài tới 16 mét và nặng hơn 20 tấn. Chúng to ngang một chiếc xe bus hai tầng.

Vậy mà trong quá trình tham gia giao thông, cụ thể là khi bơi dưới biển, những con cá mập voi vẫn thường xuyên gặp tai nạn. Trớ trêu hơn trong những vụ tai nạn đó, chính chúng lại là những nạn nhân, bị tông phải, gặp chấn thương và thậm chí tử vong.

Thủ phạm không thể là ai khác, ngoài những chiếc tàu hàng khổng lồ của con người chúng ta.


 Những con cá mập voi vẫn thường xuyên gặp tai nạn khi đâm phải tàu chở hàng.

Một nghiên cứu mới đăng trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ (PNAS) ngày 9 tháng 5 cho biết: Tới 90% các tuyến đường di chuyển của cá mập voi hiện nay sẽ giao cắt với các tuyến đường vận tải cao tốc xuyên đại dương của con người.

Và bởi cá mập voi thường bơi sát bề mặt nước, chúng dễ bị những con tàu container khổng lồ đâm phải. Chỉ cần một cú tông từ tàu có trọng tải trên 300 tấn đã có thể giết chết một con cá mập voi.

Các nhà khoa học cho biết, những vụ tai nạn giao thông này đã làm suy giảm tới một nửa dân số cá mập voi trên thế giới trong vòng 75 năm trở lại đây. Nó đẩy loài cá lớn nhất hành tinh này vào danh sách các loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.


Đây loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Tàu thuyền của con người đang cày nát các tuyến đường trên đại dương

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thương mại toàn cầu hiện đang dựa vào những con đường huyết mạch trên đại dương. Tới 90% lượng hàng hóa quốc tế của con người hiện đang được vận chuyển qua đường biển, trên những con tàu chứa hàng ngàn thùng container khổng lồ.

Lợi thế của vận chuyển hàng hải là các nhà sản xuất có thể đóng một khối lượng hàng lớn với chi phí thấp – trong khi đó phía giao nhận cũng có thể ghép đơn các lô hàng để giảm giá thành. Container sau đó có thể tiếp tục được vận chuyển bằng đường bộ, khi các con tàu viễn dương xuyên lục địa đã kết thúc hành trình của mình.

Thật không may, cái gì lợi cho con người thì thường gây hại cho thiên nhiên và các loài động vật hoang dã.


Một con cá mập voi bị thương sau khi tàu thuyền đâm phải.

Những tuyến đường hàng hải của con người hiện nay thường kết nối các cảng biển xa xôi, ở hai phía đối diện của các đại dương rộng lớn. Chúng được gọi là các tuyến cao tốc trên biển và có tỷ lệ cao cắt ngang qua các tuyến đường di chuyển và di cư của nhiều loài cá.

Cá voi và cá mập voi thường là những đối tượng bị tàu vận tải của con người tông phải, khi chúng dành thời gian dài bơi trên gần bề mặt nước để ăn sinh vật phù du. Nếu một con cá mập voi bị tàu lớn tông phải, cơ hội sống sót của chúng là rất thấp.

Tai nạn cũng thường bị bỏ qua không ai báo cáo, bởi cá mập voi là một loài có sức nổi âm. Nghĩa là khi bị thương nặng và không còn có thể bơi được nữa, chúng sẽ tự động chìm xuống đáy biển và lặng lẽ chết ở đó.

Vì vậy trong nghiên cứu mới của mình, các nhà sinh thái biển tại Đại học Southampton đã tìm cách gắn thẻ định vị cho 350 con cá mập voi để theo dõi hành trình và lập bản đồ vị trí của chúng bằng vệ tinh.


Một con cá mập voi được gắn thẻ định vị.

Các bản đồ này được đối chiếu với hệ thống GPS theo dõi hải trình của tàu thuyền trên đại dương, trong đó họ đã thêm vào tất cả các con tàu chờ hàng, tàu chở dầu, tàu du lịch và tàu đánh cá có trọng tải trên 300 tấn – có khả năng giết chết một con cá mập voi sau khi va chạm.

"Nghiên cứu mới của chúng tôi phát hiện ra mối đe dọa này có thể là nguyên nhân gây tử vong cho loài cá lớn nhất thế giới, cá mập voi, hơn bất kỳ nguyên nhân nào từng được ghi nhận trước đây", giáo sư sinh thái biển David Sims cho biết.

"Không giống như hầu hết các loài cá mập khác sống lang thang ngoài đại dương, hoạt động đánh bắt có chủ ý hoặc tình cờ của các đội đánh cá công nghiệp không được cho là nguyên nhân đầu bảng khiến quần thể cá mập voi suy giảm. Thay vào đó, đối với loài sinh vật biển này, có một số yếu tố chỉ ra hoạt động vận tải của con người mới là thứ tiềm ẩn sự chết chóc".

92% phạm vi sinh sống của cá mập voi bị các tuyến hàng hải của con người băng cắt

Đó là kết quả phân tích bộ dữ liệu vệ tinh đầu tiên cho thấy sự chồng chéo của các tuyến vận tải biển lên phạm vi sinh sống của cá mập voi lớn tới chừng nào. Các nhà khoa học cho biết các khu vực như Vịnh Mexico, Vịnh Ả Rập và Biển Đỏ - nơi tập trung mật độ cảng biển và hải trình nhộn nhịp nhất thế giới – cũng là nơi mà cá mập voi hay gặp tai nạn với tàu thuyền nhất.


Bản đồ các tuyến hàng hải của con người chồng lên khu vực sinh sống của cá mập voi.

Dữ liệu GPS cho thấy cá mập voi thường xuyên băng qua các tuyến đường vận tải biển và đụng độ với những con tàu có tốc độ và kích thước lớn gấp chúng hàng chục lần. Điều này khiến cá mập có rất ít thời gian để phản ứng với một con tàu đang tới.

Các nhà khoa học theo dõi thấy 24% tín hiệu GPS của những con cá mập voi gắn định vị đã biến mất khi chúng băng qua một tuyến hải trình của tàu thuyền. Ngay cả khi đã tính đến lỗi kỹ thuật ngẫu nhiên của máy phát, họ vẫn cho rằng đó là con số cá mập voi đã bị tàu thuyền tông phải và chìm xuống đáy đại dương.

Một số thiết bị gắn trên vây cá mập voi đã ghi lại vị trí cuối cùng của chúng gần với vị trí của một con tàu vận tải. Trong khi, độ sâu của chúng liên tục giảm đến hàng trăm mét bên dưới mặt biển.

Đó là bằng chứng trực tiếp của một cú húc từ tàu thuyền đã giết chết cá mập voi.


Những vị trí nơi tín hiệu GPS của cá mập voi kết thúc trùng với các tuyến hàng hải của con người.

Giáo sư David Sims cho biết hiện tại không có bất kể một quy ước quốc tế nào để bảo vệ cá mập voi khỏi các vụ va chạm của tàu thuyền như thế này. Thậm chí, nhiều con tàu còn quá lớn để cảm thấy chúng vừa tông phải một con cá mập.

Do đó, ông cho biết để bảo vệ loài cá lớn nhất hành tinh này, trước hết, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) cần tạo lập một kênh báo cáo các vụ đụng độ giữa tàu thuyền và cá mập voi. Từ đó, họ có thể lập hồ sơ các vụ tai nạn và vẽ ra một tấm bản đồ các khu vực dễ đụng độ với cá mập voi nhất.

Sau đó, IMO có thể áp dụng thêm các quy định yêu cầu tàu thuyền giảm tốc độ hoặc điều hướng cẩn thận hơn khi đi vào khu vực có cá mập voi. Giáo sư Sims cho biết ông sẵn sàng cung cấp bản đồ của các khu vực này để thử nghiệm quy định đó.

"Hành động ngay bây giờ là cách duy nhất để ngăn chặn số lượng cá mập voi sụt giảm sâu hơn và chạm tới nguy cơ tuyệt chủng", ông nói. "Tôi thấy rất buồn khi phải chứng kiến những cái chết của loài động vật vĩ đại này, xảy ra ngay trên những tuyến đường hàng hải của con người, mà chúng ta hiện chưa có biện pháp gì để phòng ngừa những vụ tai nạn đó".

Cập nhật: 16/05/2022 Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video