Cá vây tay là loài cá hóa thạch sống tái xuất hiện trên Trái Đất sau khi tuyệt chủng cùng thời với khủng long và có thể sống tới 100 năm.
Cá vây tay Tây Ấn Độ Dương hay còn gọi là cá vây tay châu Phi (Latimeria chalumnae) hoặc "gombessa" ở quần đảo Comoros. Chúng sống ở vùng biển ngoài khơi phía đông châu Phi và ăn nhiều loại cá cùng động vật chân đầu, bao gồm mực ống và mực nang, theo Live Science.
Cá vây tay được tái phát hiện ở vùng biển Nam Phi vào năm 1938. (Ảnh: iNaturalist).
Giới khoa học cho rằng tất cả cá vây tay tuyệt chủng hơn 65 triệu năm trước cho tới khi cá vây tay Tây Ấn Độ Dương được phát hiện tình cờ ngoài khơi Nam Phi năm 1938. Cá vây tay xuất hiện lần đầu tiên cách đây hơn 400 năm, nhưng dẫn liệu hóa thạch về chúng ngừng lại cùng thời gian khủng long biến mất. Sự tái xuất hiện bất ngờ của cá vây tay hé lộ chúng thuộc nhóm Lazarus (loài đã tuyệt chủng đột ngột xuất hiện trở lại sau một thời gian vắng mặt rõ ràng).
Loài cá xương cổ đại này dành cả ngày ẩn mình trong hang và chui ra vào ban đêm để kiếm ăn. Chúng có thể đạt chiều dài 2 mét và nặng 90kg. Cá vây tay cũng có thể sống cực lâu.
Nghiên cứu sơ bộ cho thấy cá vây tay có tuổi thọ tối đa 20 năm. Nhưng phát hiện này trái ngược với những mặt khác trong đời sống của chúng, bao gồm trao đổi chất chậm và hấp thụ ít oxy, đặc điểm thường gắn liền với tuổi thọ dài lâu. Năm 2021, các nhà nghiên cứu sử dụng kỹ thuật xác định tuổi tiên tiến để đếm cấu trúc canxi hóa ở vảy của cá vây tay, tương tự đếm vòng sinh trưởng ở cây, và phát hiện chúng có thể sống tới 100 năm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra chúng chậm thành thục về mặt sinh sản, độ tuổi giao phối của cá đực là 40 và cá cái là 58. Cá vây tay cũng có thời gian mang thai lên đến 5 năm, dài nhất trong số bất kỳ động vật có xương sống nào. Không chỉ vậy, cá vây tay có thể săn mồi trong lúc lộn ngược đầu nhờ độ xương đặc biệt với phần lớn khối lượng xương tập trung ở đầu và đuôi. Năm 1997, các nhà khoa học phát hiện một loài cá vây tay khác ở Indonesia và đặt tên khoa học cho chúng là L. menadoensis.