Các nhà khoa học thuộc trường đại học Texas Tech đã phát hiện thấy một hóa thạch hoàn thiện đầu của một loài khủng long được cho là tổ tiên của loài khủng long ăn cỏ lớn nhất trên Trái đất.
Nhà cổ sinh vật học Sankar Chatterjee và các cộng sự của ông đã phát hiện thấy một hóa thạch xương khủng long dài 9,14m tại một vùng đồng bằng ở Lufeng thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vào năm 2005. Niên đại của hóa thạch này được ước tính khoảng hơn 200 triệu năm.
Phần xương đầu của loài khủng long ăn cỏ cổ đại.
Các nhà khoa học xác định hóa thạch này là của một loài khủng long cổ đại – được cho là tổ tiên của loài khủng long ăn cỏ lớn nhất trên Trái đất là Sauropods. Loài khủng long này đi bằng 4 chân lại có cổ dài. Kết quả phân tích hóa thạch cũng có thấy răng của loài khủng long cổ đại cũng có cấu tạo hình răng cưa và thìa giống loài khủng long ăn cỏ Sauropods.
“Rất nhiều bí mật về loài khủng long vẫn chưa được khám phá và chúng ta đang cố gắng làm sáng tỏ bí mật này thông qua những hóa thạch được tìm thấy. Phát hiện này có thể giúp chúng ta hiểu hơn về quá trình tiến hóa của loài khủng long”, giáo sư Sankar Chatterjee cho biết.
Tại vùng đồng bằng ở Lufeng thuộc tỉnh Vân Nam, các nhà khoa học cũng phát hiện thấy ít nhất 6 loài khủng long ăn cỏ khác. Điều này cho thấy sự tiến hóa đa dạng của loài khủng long lớn nhất trên Trái đất.
“Tất cả mọi người đều yêu quý loài khủng long ăn cỏ Sauropods bởi vì chúng là loài động vật lớn nhất biết đi trên Trái đất. Và tất nhiên mọi người cũng muốn biết loài khủng long này tiến hóa như thế nào? Những phát hiện trên có thể giúp trả lời một phần của câu hỏi”, tiến sĩ Randall Irmis, thuộc trường đại học Utah (Mỹ), nói.