Loài lai lợn rừng nhiễm phóng xạ xâm chiếm Fukushima

Các nhà khoa học bất ngờ phát hiện lợn rừng nhiễm phóng xạ giao phối với lợn nhà khi tìm hiểu tác động đối với động vật hoang dã sau thảm họa năm 2011.

Một loài lai giữa lợn rừng hoang dã và lợn nhà đang xuất hiện tràn ngập Fukushima. Nghiên cứu di truyền xác nhận lợn rừng lai chéo với lợn nhà chạy trốn từ những trang trại địa phương trong vùng bị bỏ hoang sau khi động đất và sóng thần gây ra thảm họa năm 2011 ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, khiến 160.000 người mất chỗ ở.


Lợn có đốm là kết quả do sự lai chéo giữa lợn rừng nhiễm phóng xạ và lợn nhà. (Ảnh: Hiroko Ishiniwa).

Trong nhiều năm, thợ săn theo dõi lợn nhiễm phóng xạ có số lượng lên tới hàng trăm con và ghi nhận nồng độ nguyên tố phóng xạ caesium-137 cao gấp 300 lần mức an toàn. Các nhà khoa học ở Đại học Fukushima sử dụng xét nghiệm di truyền để tìm hiểu tác động của phóng xạ lên động vật hoang dã trong vùng kiểm tra ADN.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, kết luận không có đột biến di truyền, nhưng thay vào đó nhóm nghiên cứu bất ngờ phát hiện lợn rừng giao phối với lợn nhà. "Sự xâm lấn sinh học" này bắt đầu sau khi lợn rừng từ các vùng núi xung quanh chuyển dần vào những thị trấn không người ở, gặp lợn nhà chạy rông do nông dân bị buộc phải sơ tán khỏi khu vực. Nhà chức trách địa phương dỡ bỏ rào ngăn khu vực phải tránh xa (exclusion zone) năm 2018, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc lấy lại một số vùng đất từ lợn rừng, vốn đã trở nên không sợ người.

Các nhà khoa học phân tích trình tự di truyền của 338 con lợn rừng thu thập từ năm 2006 đến 2018 trên khắp cả vùng và nhận thấy ít nhất 18 con lợn thể hiện sự xâm lấn sinh học đối với gene lợn nhà. Chúng được nhận dạng là lợn rừng về hình thái nhưng có kiểu gene đơn bội của lợn nhà châu Âu. Tần suất của kiểu gene này vẫn ổn định từ khi phát hiện lần đầu tiên năm 2015. Kết quả hé lộ sự pha tạp di truyền đang diễn ra trong quần thể lợn rừng do lợn nhà để sổng.

Nghiên cứu còn phát hiện ngày càng nhiều con lai của lợn rừng - lợn nhà xuất hiện ngoài phạm vi khu vực nhiễm phóng xạ ở Fukushima và gene lợn nhà đang du nhập vào quần thể lợn rừng nói chung. Nhóm nghiên cứu nhận định cần tiếp tục theo dõi di truyền để ghi chép sự phân tán của gene lợn nhà trong quần thể lợn rừng hoang dã.

Tuy nhiên, Donovan Anderson, thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định gene lợn nhà nhiều khả năng sẽ loãng đi sau mỗi thế hệ. Những thay đổi về hành vi hiện nay đến từ sự vắng mặt của con người, nhờ đó lợn rừng nhanh chóng xâm chiếm các khu vực bỏ hoang. Anderson cho rằng lợn nhà không thể sống sót trong tự nhiên, nhưng lợn rừng lại phát triển mạnh ở thị trấn bỏ hoang bởi chúng quá mạnh khỏe.

Việc con người sơ tán khỏi khu vực dẫn tới những khoảng đất lớn trong vùng tái mọc hoang. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine. Số lượng gấu, hươu, bò bison, chó sói, linh miêu và ngựa tăng gấp nhiều lần từ khi khu vực bị bỏ hoang vào năm 1986. Tuy nhiên, giới nghiên cứu chú ý ếch sống trong khu vực phong tỏa có màu sắc sẫm hơn những con ếch bên ngoài, chứng tỏ lượng melanin cao hơn có thể giúp chúng chống chịu bức xạ tốt hơn.

Cập nhật: 03/07/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video