Thế giới hiện nay đang đứng trước nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng lượng dự trữ phốt-pho. Trong khi các nhà khoa học đang cố gắng tìm cách khắc phục tình trạng này thì ngày ngày, vẫn có một lượng phốt-pho không nhỏ bị rò rỉ từ các nhà vệ sinh.
Câu chuyện tưởng như đùa này thực tế lại là sự thật. Theo đó, lượng nước tiểu không nhỏ mà con người hàng ngày thải vào môi trường đã được các chuyên gia ví von là “một sự rò rỉ nguồn tài nguyên quan trọng”.
Mỗi ngày lại có thêm một lượng phốt-pho không
nhỏ bị rò rỉ từ các nhà vệ sinh. (Nguồn: Internet)
Lịch sử đã ghi nhận, từ vùng đất Hy Lạp cho tới tất cả các quốc gia châu Á xưa kia, nông nghiệp luôn đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển của các nền văn hóa cổ đại. Trong nền nông nghiệp lúc bấy giờ, nguồn nước tiểu do con người, vật nuôi thải ra được coi là thứ “phân bón” vô cùng hiệu quả, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, góp phần mang lại một mùa trồng trọt bội thu.
Khoa học từ lâu đã chứng minh rằng, nước tiểu hầu như vô trùng khi ra khỏi cơ thể và chứa tất cả các thành phần cần thiết cho sự phát triển của thực vật, bao gồm kali, nitơ và phốt pho.
Mới đây, các nhà khoa học đưa ra cảnh báo, nếu không được tái tạo nhanh chóng, trữ lượng phốt-pho sẽ bị cạn kiệt trong vòng 2 thế hệ tiếp theo.
Trước nguy cơ đó, một nhóm các nhà khoa học vừa tiến hành những thí nghiệm đánh giá tính khả thi của công nghệ làm chuyển hướng nước tiểu (UDT), lưu trữ nó trong một thời gian để giết chết vi khuẩn và sau đó tái sử dụng các chất dinh dưỡng có trong nước tiểu làm phân bón.
UDT được thử nghiệm tại Thụy Điển, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Trung Quốc và đã đạt những tín hiệu đáng mừng. Hiện nay, Úc là nước tiếp theo quan tâm đến tiềm năng này trong việc quản lý nguồn chất thải một cách bền vững. Theo đó, tại Sydney, họ đã xây dựng các nhà vệ sinh đặc biệt trong nhiều trường Đại học, với thiết kế cho phép tách nước tiểu và phân.
Chúng ta không thể sống mà không có phốt-pho. Đó là điều cần thiết cho sự tồn tại của muôn loài, các chuyên gia tái khẳng định.