Tảo hủy diệt có thể sống được điều kiện môi trường ấm và ẩm khoảng hơn 1 tuần mà không cần nước, trở thành mối đe dọa với nhiều vùng biển khi bị chúng xâm lấn và phá vỡ hệ sinh thái.
Tảo Caulerpa taxifolia, đang sinh sôi với tốc độ "chóng mặt" tại New Zealand. (Ảnh minh họa: noaa fisheries).
Chính phủ New Zealand đã phân bổ 5 triệu AUD (tương đương 3,1 triệu USD) nhằm đẩy nhanh nghiên cứu các kỹ thuật ngăn chặn tảo biển caulerpa - có tên khoa học là Caulerpa taxifolia, đang sinh sôi với tốc độ "chóng mặt" tại nước này.
Trong một phát biểu ngày 23/2, Bộ trưởng An ninh Sinh học Andrew Hoggard nhấn mạnh người dân New Zealand rất coi trọng môi trường biển và quốc gia này cần tiếp tục nỗ lực nhằm triệt tiêu loài tảo Caulerpa taxifolia - được gọi là "tảo hủy diệt."
Ông nêu rõ khoản tiền trên sẽ được đầu tư vào công nghệ nhằm ngăn chặn tảo biển caulerpa sinh sôi và sau đó tìm cách loại bỏ loài này ở những khu vực bị ảnh hưởng.
Theo Bộ trưởng Hoggard, việc bổ sung kinh phí sẽ giúp các cơ quan chức năng New Zealand phát triển hơn nữa công nghệ nạo vét và hút tảo ở khu vực Northland.
Mặc dù vậy, ông cũng thừa nhận rằng đây là một "cuộc chiến cam go" do chưa quốc gia nào có thể xóa sổ hoặc kiểm soát được sự lan rộng của loài tảo caulerpa ngoại lai.
Tảo hủy diệt Caulerpa taxifolia thực sự trở thành mối đe dọa với nhiều vùng biển khi bị chúng xâm lấn và phá vỡ hệ sinh thái. Chúng thực chất là một loại rong biển, có thể sống được điều kiện môi trường ấm và ẩm khoảng hơn 1 tuần mà không cần nước. Chúng bám dính vào các vật dụng như đồ lặn, lưới, mỏ neo...
Trong quá trình phát triển, tảo Caulerpa taxifolia sản sinh ra một loại độc tố khiến các sinh vật biển khác không thể ăn chúng được và chúng phát triển cực kỳ nhanh.
Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã phải đưa loài tảo này vào “Danh sách 100 loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới”.