Loạt dấu chân người hé lộ hành trình 13.000 năm trước

Một người lớn bế em bé đi qua vùng đất có voi ma mút và lười khổng lồ sinh sống, để lại loạt dấu chân trải dài 1,5km.

Các nhà khoa học xác định loạt dấu chân cổ xưa tại công viên quốc gia White Sands, bang New Mexico, thuộc về một người lớn, có thể là phụ nữ hoặc nam thanh niên, và một em bé dưới 3 tuổi, Live Science hôm 16/10 đưa tin. Loạt dấu chân trải dài 1,5 km và là loạt dấu chân đôi dài nhất thế giới tồn tại từ cuối thế Pleistocene.

David Bustos, nhân viên công viên White Sands, lần đầu phát hiện các dấu chân vào năm 2017. Cuộc khai quật của các nhà khoa học sau đó hé lộ hàng loạt dấu chân hóa thạch ngay bên dưới lớp cát thạch cao trắng. Ban đầu chúng in hằn lên đất ướt. Nước bốc hơi để lại những khoáng chất gồm dolomite và calcite, tạo ra khuôn đá của vết chân.


Những dấu chân hóa thạch trong công viên quốc gia White Sands. (Ảnh: David Bustos).

Các dấu chân chạy thẳng theo hướng bắc/tây bắc rồi biến mất sau những đụn cát. Ngay gần đó là những dấu vết của hành trình trở về hướng nam/tây nam, chúng có vẻ do cùng một người để lại, dựa vào kích thước bàn chân và chiều dài sải chân.

Ở lượt đi, dấu chân người lớn hơi bất đối xứng, nhiều khả năng do bế đứa trẻ ở một bên hông. Đôi lúc dấu chân nhỏ xuất hiện, nghĩa là em bé được thả xuống đi bộ. Chuyến trở về phía nam không có dấu chân trẻ em. Điều này cho thấy có thể mục đích chuyến đi là mang em bé đến đâu đó và để lại.

Sally Reynolds, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Bournemouth, tác giả nghiên cứu, đoán rằng đứa trẻ bị ốm và cần đưa tới một khu trại khác, nơi có người giúp đỡ. Các dấu chân không lệch hướng và người đi bộ cũng không lãng phí thời gian. Độ dài sải chân cho thấy người này đi với tốc độ nhanh, 1,7 m mỗi giây. Chuyến đi diễn ra gần một hồ nước cổ đại mặt đất đầy bùn và trơn trượt.

Hành trình của hai người xuyên qua vùng đất có nhiều động vật săn mồi sinh sống như sói và các loài mèo răng kiếm. Các nhà khoa học tìm thấy dấu chân lười khổng lồ và voi ma mút cắt qua loạt dấu chân người. Tuy nhiên, có vẻ họ không chạm trán trực tiếp với chúng và không gặp nguy hiểm.

Không có vật chất hữu cơ nào tồn tại xung quanh vết chân để nhóm nghiên cứu xác định niên đại bằng phương pháp đồng vị carbon, Reynolds cho biết. Dựa vào thời điểm voi ma mút và lười khổng lồ tuyệt chủng, nhóm nghiên cứu cho rằng loạt dấu chân khoảng 10.000-13.000 năm tuổi.

Các dấu chân cổ xưa giúp hé lộ con người ảnh hưởng như thế nào đến số lượng động vật tại White Sands vào cuối thế Pleistocene. Những động vật lớn như voi ma mút và lười khổng lồ tuyệt chủng không lâu sau khi con người tới đây. Giới khoa học vẫn đang tranh luận xem có phải sự săn bắt con người là nguyên nhân khiến chúng tuyệt chủng hay không.

Cập nhật: 19/10/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video