Nhiều công trình ở Trung Quốc và các quốc gia khác gây xôn xao vì có thiết kế tương đồng với Cầu Vàng ở Đà Nẵng, Việt Nam.
Cầu Vàng, với thiết kế độc đáo mang hình dáng đôi bàn tay khổng lồ nâng đỡ cây cầu vàng rực rỡ, đã trở thành một biểu tượng du lịch ấn tượng của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Thời gian qua, cộng đồng người yêu du lịch xôn xao trước một số công trình cầu đi bộ mới ở Trung Quốc và các quốc gia láng giềng được cho là những phiên bản "học hỏi" từ bản gốc.
Tại khu thắng cảnh Công viên Tianzi Di ở Đồng Lư, Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, một cây cầu màu tím gây chú ý với thiết kế tương tự như Cầu Vàng.
Cầu bàn tay màu tím thơ mộng ở Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: @solynnette/Trip.com).
Cây cầu phiên bản màu tím với bàn tay trắng nâng đỡ một cây cầu màu tím. Lớp sơn này mang vẻ đẹp mềm mại khác biệt so với màu vàng rực rỡ của Cầu Vàng. Công trình này nổi bật trên nền rừng cây xanh mướt và mặt nước màu ngọc bích.
Cây cầu nổi bật giữa thiên nhiên hùng vĩ. (Ảnh: Doubleping.china)
Cũng tọa lạc tại tỉnh Chiết Giang, cầu Bàn tay Phật Thiên Quan thuộc khu thắng cảnh Maling Tianguan, Hàng Châu khiến nhiều người lầm tưởng như đang ngắm ảnh Cầu Vàng. Bàn tay Phật nâng cầu cao 23m, chiều rộng lối đi là 5m. Từ độ cao hơn 1.000m, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh núi non hùng vĩ xung quanh.
Cây cầu Phật Thiên Quan có thiết kế giống Cầu Vàng ở Việt Nam. (Ảnh: hwang199).
Trong khi đó, Cầu Thái Hồng Tiên Thủ ở khu thắng cảnh Cổ Khê Tinh Hà (TP Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) cũng mô phỏng bàn tay Phật. Song, kiến trúc này thiết kế bàn tay nâng đỡ cây cầu có ánh cầu vồng, mặt kính. Cầu dài 99m, riêng phần bàn tay cao 19m.
Thái Hồng Tiên Thủ có hình dáng bàn tay nâng dải cầu vồng. (Ảnh: Darllon.richard).
Điểm khác biệt của Cầu Thái Hồng Tiên Thủ là ngón trỏ và ngón cái của bàn tay chụm vào với nhau, tạo thành một phần mái vòm phía trên.
Đây không phải lần đầu tiên dư luận xôn xao vì các phiên bản đa dạng của Cầu Vàng Đà Nẵng ở nước ngoài. Năm 2022, cộng đồng yêu du lịch phát hiện cầu hình bàn tay ở Philippines giống cầu Vàng Đà Nẵng. Công trình này dáng vòng cung quen thuộc với hai bàn tay khổng lồ nâng đỡ, mang nước sơn trắng xám và móng tay đỏ.
Không chỉ có ở Trung Quốc, "Cầu Vàng phiên bản Campuchia" cũng khiến nhiều người cười ra nước mắt.
Theo đó, Cầu Vàng phiên bản "nhái" là một tiểu cảnh trong khu du lịch River Grass ở Campuchia. Đây là một khu resort tọa lạc trên đường Preah Sihanouk, thành phố Kampong Cham (cách TP.HCM khoảng 200km).
Với chiều dài khoảng 8m và lối đi được làm bằng gỗ, Câu Vàng ở nước bạn như một phiên bản "siêu nhỏ" của Cầu Vàng ở Đà Nẵng. Đứng trên đôi tay được làm bằng tre, bọc vải nhũ vàng, du khách có thể phóng tầm nhìn hướng ra phía con sông Mekong rộng lớn.
Tại khu nghỉ dưỡng này, ngoài tiểu cảnh Cầu Vàng, du khách check-in các địa điểm nổi tiếng khác của nhiều quốc gia như câu Cổng Vàng (Mỹ), tượng Labubu "siêu to khổng lồ”, Cổng trời Torii (Nhật Bản) hay Cổng trời Bali (Indonesia)...
Du khách "thả dáng" trên lối đi của Cầu Vàng phiên bản pha ke - (Ảnh: ស្មៅទន្លេ.River Grass).
Hướng nhìn của Cầu Vàng ở nước bạn là con sông Mekong rộng lớn - (Ảnh: ស្មៅទន្លេ.River Grass).
Trên mạng xã hội Việt Nam, có nhiều luồng ý kiến xoay quanh sự xuất hiện của các công trình có thiết kế tương tự Cầu Vàng của Việt Nam ở Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng, mặc dù là phiên bản "học hỏi", song các công trình ở Trung Quốc có phần quy mô, mềm mại và rực rỡ hơn.
Số khác khẳng định phiên bản gốc Cầu Vàng ở Đà Nẵng mới thực sự độc đáo, gây ấn tượng bởi tính chân thực, rêu phong...
Cầu Vàng ở Đà Nẵng vẫn được nhận xét là “độc nhất vô nhị“. (Ảnh: Sun World).
Cầu Vàng Đà Nẵng chính thức mở cửa đón khách du lịch vào tháng 6.2018. Công trình này từng thắng nhiều giải thưởng uy tín như giải “Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới” trong bốn năm liên tiếp từ 2020 - 2023 của World Travel Awards, “top 10 kỳ quan của thế giới mới” theo bình chọn của thế hệ trẻ, top 5 giải thưởng của năm tại lễ trao giải “The Guide Awards 2018”...