Lợn biển chết hàng loạt ở Florida vì cạn kiệt thức ăn

Số lượng lợn biển chết cao bất thường trong 5 tháng gần đây - một phần do tình trạng ô nhiễm nước phá hủy nguồn thức ăn - là tín hiệu đáng báo động về tương lai của loài này.

Ủy ban Bảo tồn Cá và Động vật hoang dã Florida (FWC) cho biết tính đến ngày 21/5, tổng cộng 749 con lợn biển đã chết - dự tính vượt qua cả con số kỷ lục 804 ghi nhận vào năm 2018.

Sự chết dần chết mòn của loài cỏ biển gây ra tình trạng thiếu đói kéo dài, theo Guardian. Cỏ biển là nguồn thức ăn yêu thích của loài động vật có vú sống dưới nước di chuyển chậm chạp.

Theo Cơ quan Quản lý nước sông St Johns, mỗi năm có hơn 2.500 con lợn biển ghé thăm Đầm phá sông Ấn - khu vực đã mất khoảng 58% số lượng cỏ biển kể từ năm 2009.

Cơ quan này khẳng định việc cạn kiệt chất dinh dưỡng - đặc biệt là nitơ và phốt pho - đã giết chết cỏ biển. Hơn nữa, các hiện tượng tảo nở hoa trên mặt nước cũng chặn cho cỏ biển hứng được ánh sáng Mặt Trời.


Một con lợn biển bơi trong hồ bơi phục hồi sức khỏe ở Tampa, Florida. (Ảnh: Guardian).

“Phần lớn trong số hơn 80.000 loài cỏ biển sinh sống trong Đầm phá sông Ấn đã biến mất bởi tần suất tảo nở hoa liên tục - hệ quả từ việc xả thải làm ô nhiễm nguồn nước trong hàng thập kỷ qua”, trích lời Bob Graham, cựu Thống đốc bang Florida và nhà đồng sáng lập của Save the Manatee - tổ chức bảo vệ lợn biển và môi trường sống của chúng.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn do sự tái diễn của hiện tượng tảo và các loài sinh vật phù du nở hoa trong hệ thống đường thủy của Florida.

Hiện tưởng xảy ra khi tảo sinh sản với số lượng nhanh và lớn dưới nước khiến nước chuyển màu xanh. Tảo nở hoa khiến cho nước bị ô nhiễm do môi trường nước không có sự cân bằng.

Ngoài khơi, sự rò rỉ nguồn nước thải độc hại từ nhà máy phân bón bị bỏ hoang Piney Point gần đây vào vịnh Tampa đã gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, hiện tượng “thủy triều đỏ” - hiện tượng tảo nở hoa khác mang màu đỏ hoặc nâu - cũng gây trầm trọng hơn tình trạng này.

FWC xác nhận khoảng 12 con lợn biển đã chết do thủy triều đỏ. Con số thực tế thậm chí có thể cao hơn bởi không phải con lợn biển nào chết cũng trong tình trạng hoại tử.


Số lượng lợn biển chết tăng cao bất thường. (Ảnh: Orlando Weekly).

Trung tâm Đa dạng Sinh học Mỹ (CBD) cũng bày tỏ lo ngại về một nghiên cứu hồi tháng 3 cho thấy dấu vết của thuốc trừ sâu trong cơ thể của hơn một nửa số thi thể lợn biển được kiểm tra.

“Những con lợn biển đang phải né tránh va chạm với thuyền của con người trên mặt nước, tổn thương vì thủy triều đỏ và bị chết đói ở Đầm phá sông Ấn vì nguồn nước ô nhiễm. Giờ đây, thật đau lòng khi biết được chúng sẽ còn phải đối mặt với cả độc tố đến từ glyphosate (một loại thuốc diệt cỏ)”, Jaclyn Lopez, giám đốc CBD tại Florida, cho biết.

Ông Graham khẳng định FWS đã “sai lầm” khi chuyển tình trạng của lợn biển từ “nguy cấp” sang “bị đe dọa” vào năm 2019. Ông cho rằng hàng nghìn người Mỹ và các nhà khoa học đều hiểu rằng tương lai của loài lợn biển đang bị đe dọa nghiêm trọng.

“FWS nên thừa nhận sai lầm và đưa lợn biển vào danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng”, ông nói.

Hai thành viên Quốc hội Mỹ - Stephanie Murphy, thành viên đảng Dân chủ và Brian Mast, thành viên đảng Cộng hòa - đã đề xuất tăng cường tài trợ liên bang để bảo vệ loài vật này.

Hồi đầu tháng 5, một bài xã luận trên tờ Orlando Sentinel đổ lỗi cho chính quyền bang Florida, đặc biệt là công kích cựu Thống đốc Rick Scott gây ra tình trạng lợn biển chết hàng loạt vì đã cắt giảm ngân sách bảo vệ môi trường khi ông còn đang đương chức.

Cập nhật: 14/06/2021 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video