Nơi duy nhất trên Trái đất Covid-19 chưa "bén mảng" đến

Lục địa duy nhất trên thế giới chưa nhiễm nCoV

Nam Cực là lục địa duy nhất trên thế giới chưa có ca nhiễm nCoV vì áp dụng những quy định nghiêm ngặt đảm bảo không có nguy cơ lây nhiễm.

Đến nay, trong khi các châu lục khác đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19 thì có một lục địa vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh nào. Đó là Nam Cực lạnh giá cằn cỗi, nơi mà cái lạnh và bóng tối của mùa đông đang đến rất nhanh.

Nhiều người nói rằng Nam Cực từ chỗ là nơi "nguy hiểm" bậc nhất với mức nhiệt có thể giảm xuống gần -90 độ C và vận tốc gió lên tới 322 km/giờ, nay đã trở thành nơi "an toàn" nhất trước dịch Covid-19 tính đến thời điểm này. Trong vài tháng qua, khoảng 4.000 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đã theo dõi diễn biến dịch Covid-19 từ Nam Cực.

Nhà khoa học người Anh Michael Brian, người đứng đầu trạm nghiên cứu Rothera của Anh ở Nam Cực, cho biết trạm đã áp dụng những quy định nghiêm ngặt để bảo vệ 140 thành viên trong đoàn. Các nhà nghiên cứu có nguy cơ lây nhiễm cao nếu nCoV xuất hiện ở Nam Cực bởi họ dùng chung phòng ăn và sống gần nhau ở trạm, nơi nhiệt độ bên ngoài có thể giảm tới âm 20 độ C.


Trạm Rothera ở Nam Cực. (Ảnh: BAS).

"Chúng tôi được bảo vệ tốt ở đây và áp dụng nhiều quy trình chặt chẽ để chăm lo sức khỏe. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục leo thang và ảnh hưởng tới nguồn cung cấp nhiên liệu và thức ăn cho Nam Cực, trạm đã lập kế hoạch để "vượt bão'"', Brian chia sẻ.

Chia sẻ chi tiết về các biện pháp, Trạm khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) cho biết nhân viên trở về trạm sau các chuyến bay tới vùng dịch sẽ được xét nghiệm. Những nhân viên có triệu chứng sẽ bị cách ly để hạn chế lây lan.

"Nếu một thành viên trong đoàn chuẩn bị về Nam Cực là đối tượng nghi nhiễm F1 hoặc F2, họ sẽ bị cách ly hai tuần trước khi lên tàu đi tới lục địa. Tàu mất 4 tuần để tới trạm Rothera. Khoảng thời gian này đủ cho bất cứ người nào ấp virus", Steven Marshall, giám đốc quản lý rủi ro của BAS, cho biết.

Cầu nối giữa trạm nghiên cứu và thế giới là máy bay trực thăng a BAS Dash 7 bay tới đây quanh năm từ thủ đô Stanley trên quần đảo Falkland hoặc thành phố Punta Arenas ở Chile. Một tàu chở nhu yếu phẩm, nhiên liệu và thiết bị khoa học ghé qua trạm hai lần trong các tháng mùa hè từ tháng 12 tới tháng 3.

Ngoài ra, trên lục địa cũng có những chuyến bay nội bộ giữa các trạm nghiên cứu do những nước khác điều hành bao gồm Italy, Argentina, Ukraine, Đức, Nga và Ấn Độ. Vào mùa đông từ tháng 6 tới tháng 12, phần lớn chuyến bay tạm dừng. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc là nước duy nhất rút nhân viên khỏi trạm nghiên cứu. Riêng Anh có 5 trạm nghiên cứu ở Nam Cực bao gồm trạm Rothera, Halley, Signy, cơ sở hậu cần Fossil Bluff và Sky Blu.

Nam Cực là nơi đặt các cơ sở nghiên cứu của 28 quốc gia trên thế giới. Đa số nhân viên đều ở lại đây từ một đến hai mùa để tiến hành hoặc hỗ trợ nghiên cứu khoa học.

Dân số của lục địa này cao nhất vào mùa hè, từ tháng 10 đến tháng 2. Đến mùa đông, Nam Cực rơi vào bóng tối và nhiệt độ giảm mạnh, khiến nhiều trạm nghiên cứu đóng cửa. Trong thời gian này, ở nguyên trong trạm (dù có dịch bệnh hay không) là một việc được nhiều người thực hiện do điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt.

Cập nhật: 27/03/2020 Theo VnExpress/Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video