Lưỡi dao găm nạm vàng của vua Tut chế từ thiên thạch

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học quốc tế chỉ ra vua Tutankhamun được chôn cùng lưỡi dao găm có nguồn gốc từ thiên thạch trong vũ trụ.

Sử dụng quang phổ kế huỳnh quang tia X không gây hư hại, một nhóm các nhà nghiên cứu người Italy và Ai Cập xác nhận phần lưỡi sắt của con dao găm đặt cạnh đùi phải xác ướp vua Tut có nguồn gốc từ thiên thạch, Live Science đưa tin. Đội chuyên gia bao gồm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Bách khoa Milan, Đại học Pisa và Bảo tàng Ai Cập ở Cairo công bố chi tiết kết quả phát hiện trên tạp chí Meteoritics and Planetary Science cuối tháng 5.

Con dao găm đang nằm trong phòng trưng bày của Bảo tàng Ai Cập. Theo mô tả của Howard Carter, người phát hiện khu mộ chứa đầy báu vật của vua Tutankhamun năm 1922, đây là một con dao găm bằng vàng được chạm khắc tinh xảo và trang trí pha lê.

Chế tạo từ vật liệu kim loại đồng nhất không han gỉ, lưỡi dao có phần chuôi đúc bằng vàng. Đặc biệt, vỏ dao cũng làm từ vàng, được hoàn thiện với họa tiết hoa ly ở một mặt và hoạt tiết lông chim ở mặt kia cùng hình đầu chó rừng ở mép dao.


Con dao găm chôn cùng vua Tutankhamun trong quan tài. (Ảnh: Daniela Comelli).

Những cải tiến về công nghệ cho phép các nhà nghiên cứu xác định thành phần lưỡi dao. "Tỷ lệ nickel cao chỉ rõ kim loại sắt có nguồn gốc thiên thạch", Discovery News dẫn lời Daniela Comelli, nhà khoa học ở Khoa Vật lý thuộc Đại học Bách khoa Milan, tác giả chính của nghiên cứu.

Thiên thạch sắt chủ yếu bao gồm sắt và nickel, với lượng nhỏ coban, phốt-pho, lưu huỳnh và carbon. Trong khi đồ tạo tác sản xuất từ quặng sắt dưới lòng đất chứa tối đa 4% nickel, lưỡi dao sắt trên con dao găm của vua Tutankhamun chứa gần 11% nickel. Chứng cứ khác giúp xác nhận nguồn gốc thiên thạch của lưỡi dao đến từ dấu vết coban.

"Tỷ lệ nickel và coban trong lưỡi dao găm thống nhất với tỷ lệ ở thiên thạch sắt, tương tự tỷ lệ nguyên thủy trong thời kỳ hình thành các hành tinh thuộc Hệ Mặt trời thuở đầu", Comelli nói. Nhóm của Comelli cũng tìm hiểu về nguồn gốc của lưỡi dao sắt.

"Chúng tôi cân nhắc tất cả thiên thạch tìm thấy ở khu vực trong phạm vi bán kính 2.000km tính từ Biển Đỏ và tìm ra 20 thiên thạch sắt", Comelli cho biết. "Chỉ một thiên thạch tên Kharga có thành phần nickel và coban tương ứng với thành phần lưỡi dao".

Một mảnh vụn thiên thạch Kharga được tìm thấy năm 2000 ở cao nguyên đá vôi tại Mersa Matruh, cảng biển cách thành phố Alexandria, Ai Cập 240km về phía tây. Nghiên cứu cho thấy người Ai Cập cổ đại rất coi trọng sắt lấy từ thiên thạch và dùng chúng để sản xuất những đồ vật quý. Có thể, người Ai Cập cổ đại quan niệm những mẩu sắt rơi xuống từ bầu trời mang theo thông điệp của thần linh.


Ảnh chụp hai mặt của dao găm thiên thạch năm 2020 và ảnh chụp khi mới phát hiện con dao năm 1925 (dưới cùng). (Ảnh: Meteoritics & Planetary Science/Harry Burton)

Nghiên cứu mới cũng hé lộ thông tin về nguồn gốc bí ẩn của dao găm thiên thạch, vật dụng đặt cạnh xác ướp vua Tutankhamun. Phần chuôi vàng dường như chế tạo bằng cách dùng thạch cao vôi. Thời điểm đó, vật liệu kết dính này chưa được sử dụng ở Ai Cập nhưng đã xuất hiện tại những nơi khác.

Điều này cho thấy con dao có thể không được rèn tại Ai Cập, theo nhóm nghiên cứu. Nó có khả năng đến từ Mitanni, Anatolia, giống như lời đề cập ở một trong những bức thư Amarna.

Thư Amarna viết trên những miếng đất sét và được phát hiện dọc theo sông Nile. Một trong số đó kể về con dao găm bằng sắt chuôi vàng tặng cho Amenhotep III, ông nội Tutankhamun, sau khi ông kết hôn với con gái vua Mitanni. Sau đó, có thể vua Tutankhamun đã thừa kế con dao khi nó được truyền lại trong gia đình.

Thành phần đặc biệt của dao găm thiên thạch được xác nhận lần đầu trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Meteoritics & Planetary Science năm 2016. Khi đó, các nhà khoa học sử dụng tia X để xác định rằng nó làm bằng vật liệu từ thiên thạch sắt, một trong những vật thể cổ xưa nhất Hệ Mặt trời. Hiện vật này là một ví dụ tốt về tầm quan trọng của đồ trang trí rèn từ sắt thiên thạch.

Lưỡi dao găm không phải là vật thể duy nhất có nguồn gốc vũ trụ trong lăng mộ vị vua trẻ. Chiếc dây chuyền của nhà vua xâu qua chiếc bùa hộ mệnh hình bọ hung, chế tạo từ thủy tinh silic trên sa mạc Lybia.

Loại thủy tinh này ra đời do tác động của thiên thạch hoặc sao chổi lên mặt cát. Thủy tinh tự nhiên chỉ tồn tại ở vùng sa mạc phía tây xa xôi và hẻo lánh của Ai Cập. Để sản xuất chiếc bùa hộ mệnh, người Ai Cập cổ đại phải vượt qua quãng đường sa mạc dài hơn 800km.

Cập nhật: 23/02/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video