Lý do người Inca xây Machu Picchu trên hai đường đứt gãy

Đứt gãy của vỏ Trái đất cung cấp nguồn đá granite hình thù phù hợp giúp người Inca tiết kiệm sức lực xây thành cổ Machu Pichu.

Rualdo Menegat, nhà địa chất học ở Đại học Liên bang Rio Grande do Sul, trình bày phát hiện mới về thành cổ Machu Picchu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Địa chất học Mỹ hồi đầu tuần. Sử dụng ảnh vệ tinh và dữ liệu thực địa, Menegat khảo chứng mạng lưới những đường nứt bên dưới Machu Picchu, từ vết nứt nhỏ chạy ngang qua các tảng đá cuội tới đứt gãy dài 172km ở thung lũng sông.


Thành cổ Machu Picchu. (Ảnh: Smithsonian).

Một số đường nứt chạy theo hướng tây bắc - đông nam trong khi vài đường nứt khác có hướng tây bắc - tây nam. Ở giữa, nơi hai đường nứt lớn giao nhau theo hình chữ X là Machu Picchu. Theo Menegat, nhiều khả năng người Inca lựa chọn mạng lưới đường nứt không phải vì lý do tôn giáo hay biểu tượng. Thay vào đó, đứt gãy làm những tảng đá granite vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, giúp tiết kiệm sức lực trong quá trình xây dựng khu định cư bằng đá. Các bức tường của thành cổ cũng quay theo hướng đứt gãy.

"Vị trí của Machu Picchu không phải lựa chọn tình cờ. Tình trạng đứt gãy mạnh ở đó làm đá nứt vỡ dọc theo mặt phẳng, nhờ đó người Inca giảm bớt công sức gọt đẽo", Menegat cho biết.

Ngoài cho phép người Inca dễ dàng tìm kiếm và ghép những khối đá mà không cần dùng vữa, đứt gãy còn mang lại nhiều lợi ích khác. Đường đứt gãy chạy qua khu vực dẫn tuyết tan chảy và nước mưa tới khu định cư. Mạng lưới vết nứt bên dưới Machu Picchu cũng giúp thấm nước. Đây là một trong những lý do khiến công trình có thể tồn tại lâu như vậy.

"Đối với tôi không nền văn minh nào có thể hình thành trên dãy Andes mà không biết rõ về đất đá và núi non trong vùng. Machu Picchu không phải trường hợp biệt lập về chiến lược sinh tồn trên dãy Andes của người Inca", Menegat nói.

Các thành cổ Inca khác bao gồm: Ollantaytambo, Pisac và Cusco, đều xây ở vị trí giao nhau của đường đứt gãy. Điều này không chỉ ra người Inca có hiểu biết sâu rộng về kiến tạo mảng. Nhiều khả năng họ chỉ tìm kiếm những khu vực chứa đầy đá vỡ hình tam giác và hình thoi, có thể ghép lại với nhau để xây tường.

Giới khảo cổ cho rằng Machu Picchu được xây vào khoảng năm 1450 theo lệnh của hoàng đế Pachacuti Inca Yupanqui. Thành cổ được cho là nơi ở của hoàng đế và tầng lớp quý tộc Inca. Khi người Tây Ban Nha xâm chiếm Nam Mỹ, chiến tranh và dịch bệnh khiến đế quốc Inca sụp đổ. Machu Picchu và nhiều nơi khác bị bỏ hoang. Năm 1911, giáo sư Hiram Bingham III ở Đại học Yale phát hiện tàn tích bị cỏ dại bao phủ của khu định cư nhờ sự chỉ dẫn của người dân địa phương. Ngày nay, Machu Picchu là Di sản Thế giới và đang bị đe dọa bởi lượng du khách quá tải.

Cập nhật: 16/06/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video