Bức ảnh chi tiết đến kinh ngạc về Mặt trăng là thành quả của nỗ lực miệt mài không ngừng nghỉ từ hai nhà nhiếp ảnh thiên văn người Mỹ.
Trong nhiều thiên niên kỷ, con người đã ngước lên bầu trời và quan sát Mặt trăng dưới đủ mọi hình thức khác nhau. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta chưa bao giờ được nhìn Mặt trăng một cách toàn cảnh và chi tiết đến như vậy.
Mãn nhãn trước bức ảnh cực kỳ chi tiết về Mặt trăng. (Ảnh: Getty).
Bức hình có độ phân giải 174 megapixel là thành quả của nỗ lực miệt mài trong suốt 2 năm của Andrew McCarthy và Matherne Connor - hai nhà nhiếp ảnh thiên văn người Mỹ. Để tạo ra tác phẩm này, họ đã kết hợp dựa trên hơn 200.000 bức ảnh riêng lẻ với độ phân giải cao.
Tất cả tấm hình được McCarthy và Matherne Connor chụp chỉ trong một buổi tối, nhằm mang đến độ chân thực cao nhất, cũng như không bị sai lệch bởi điều kiện bên ngoài. Sau đó cặp đôi này đã dành khoảng 9 tháng để chỉnh sửa và biên soạn công việc của họ để tạo ra thành phẩm.
Qua bức hình, có thể thấy rõ từng miệng núi lửa và kết cấu bề mặt của Mặt trăng với độ chi tiết đáng kinh ngạc. Mặc dù tông màu chủ đạo của Mặt trăng vẫn là trắng vàng, nhưng nó cũng đồng thời bị nhuốm màu đỏ cam và màu xanh kim loại.
Kết cấu bề mặt của Mặt trăng và những mảng màu được tái hiện rõ nét tới kinh ngạc.
Theo giải thích từ McCarthy, các mảng màu đỏ là do sắt và fenspat bị ôxy hóa, xảy ra khi Mặt trăng nhận được những nguyên tử oxy "lưu lạc" tới từ Trái đất. Còn các đốm lớn màu xanh đen thực chất là những miệng núi lửa có kích thước khác nhau được hình thành do va chạm từ các thiên thể.
Hình ảnh này cũng cho thấy một phần của vết đen lớn nhất trên Mặt trăng, hay được gọi là "đại dương bão". Nó được tạo thành từ một va chạm khổng lồ giữa Mặt trăng với một thiên thạch. Kết quả còn lại tới nay chính là một vùng "biển magma" rộng hơn 3.000km.
Mặc dù đây có thể là một hình ảnh rất khác so với khi chúng ta quan sát từ trên Trái đất, song McCarthy khẳng định rằng "về mặt kỹ thuật", đây chính là màu sắc thực sự của Mặt trăng.
Ông cũng giải thích thêm rằng sở dĩ chúng ta không nhìn thấy Mặt trăng dưới dáng vẻ này bằng mắt thường là bởi mắt không đủ nhạy để quan sát chúng dưới ánh sáng rực rỡ. Do đó, hai nhà nhiếp ảnh thiên văn đã tăng rất nhiều độ bão hòa cho hình ảnh, khiến nó trở nên thân thiện hơn với mắt người.
Hoàn toàn không phải tình cờ khi McCarthy và Matherne Connor chọn thời điểm này để công bố tấm hình. Chỉ còn 3 ngày nữa, vào 29/8, NASA sẽ chính thức khởi động sứ mệnh Artemis-1, bao gồm một chuyến bay thử nghiệm không cần lái của Hệ thống Phóng Không gian hướng tới Mặt trăng.
Đây là bước đầu tiên trong hành trình đưa con người quay trở lại Mặt trăng sau hơn nửa thế kỷ.
Trên trang Twitter cá nhân, McCarthy để lại dòng trạng thái: "Hình ảnh này là một "bức thư tình" được gửi tới sứ mệnh sắp tới của Artemis-1. Đây là hành trình đưa con người lên Mặt trăng đầu tiên trong 50 năm".
Được biết, lần cuối cùng những phi hành gia đặt chân lên Mặt trăng là từ tàu Apollo 17, trong một sứ mệnh cùng tên được NASA thực hiện năm 1972. Trong khi chương trình Apollo trước đây chỉ giới hạn ở phi hành gia nam da trắng, thì Artemis sẽ lần đầu tiên mở rộng sang cả những phi hành gia nữ và người da màu.