Mặt Trăng có thể gây ra động đất lớn do sức ép của thủy triều đạt đỉnh đối với các đoạn đứt gãy địa chất trên bề mặt Trái Đất.
Theo Independent, nghiên cứu mới đây của nhà địa chấn học Satoshi Ide và các đồng nghiệp tại Đại học Tokyo cho thấy sức ép của Mặt Trăng lên vỏ Trái Đất có thể gây ra những trận động đất lớn.
Các nhà khoa học từ lâu nghi ngờ Mặt Trăng có liên quan tới nguyên nhân xảy ra các trận động đất lớn, gây nhiều thương vong và thiệt hại trên khắp thế giới. Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu khoa học chỉ ra được mối liên hệ này.
Những trận động đất lớn trên thế giới thường xảy ra ở thời điểm Trăng tròn. (Ảnh: Kazuhiro Nogi).
Hiện tượng thủy triều lên là do lực hấp dẫn của Mặt Trăng khiến nước trên đại dương Trái Đất dịch chuyển. "Nó đặc biệt dâng cao hai lần trong tháng khi trăng tròn và trăng non, nhất là khi Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất nằm thẳng hàng", báo cáo đăng trên tạp chí Nature Geoscience hôm 12/9 của nhóm nghiên cứu cho hay.
Hiện tượng này làm tăng sức ép lên bề mặt Trái Đất và những đoạn đứt gãy địa chất, dẫn tới động đất, các nhà nghiên cứu cho biết.
Họ đưa ra kết luận sau khi sử dụng thông tin thu được từ các trận động đất lớn gần đây để xem xét mức độ sức ép thủy triều có thể gây ra đối với những đoạn đứt gãy địa chất.
Nhóm nghiên cứu phát hiện những trận động đất lớn như động đất ở Sumatra năm 2004, động đất Chile năm 2010 hay động đất ở Nhật Bản năm 2011 có khuynh hướng xảy ra khi thủy triều lên cao nhất. Trong 12 trận động đất lớn nhất có 9 trận xảy ra vào thời điểm trăng non, trăng tròn hoặc sắp tròn.
Phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học dự báo các trận động đất lớn. Tuy nhiên, họ vẫn chưa rõ hiện tượng tương tự có xảy ra với các trận động đất nhỏ hay không.