Lớp sương mù được nhìn thấy trên mặt trăng Titan của sao Thổ có thể là một thành phần hóa học cung cấp những chất hữu cơ nuôi dưỡng sự sống, tương tự như lớp sương mù mà các nhà khoa học cho rằng đã từng bao phủ Trái đất cách đây hàng tỷ năm, tuyên bố của các nhà khoa học Trường ĐH Colorado (Mỹ).
Một số nhà khoa học từng cho rằng khí quyển mặt trăng Titan - tập hợp các phần tử hữu cơ được hình thành khi ánh sáng mặt trời phản ứng với khí mêtan - có thể là manh mối giải thích sự xuất hiện môi trường sống trên Trái đất khi các sinh vật đầu tiên được hình thành cách nay 3,6 tỷ năm.
Nhà khoa học Margaret Tolbert cùng các cộng sự Trường ĐH Colorado đã tiến hành các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm dựa trên các đo đạc do tàu thăm dò Huygens ghi nhận từ bầu khí quyển Titan hồi năm ngoái trong chuyến thám hiểm của tàu Cassini (hợp tác giữa Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ - NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu - ESA). Họ đã trộn khí carbon dioxide với mêtan được chiếu đèn cực tím để theo dõi xem liệu có sự tồn tại của sương mù hữu cơ trên Trái đất cách đây hàng tỷ năm trong cùng điều kiện hay không.
Lớp sương mù nhìn thấy trên mặt trăng Titan của sao Thổ
có thể nuôi dưỡng sự sống (Ảnh: googlepages)
Kết quả, họ phát hiện hỗn hợp khí mêtan và carbon dioxide đã tạo ra loại sương mù như vậy trong phòng thí nghiệm. Theo bà Tolbert, thành phần hóa học của lớp sương mù này gồm các phân tử hữu cơ dễ được tiêu hóa đối với sinh vật sống ngày nay và có thể chính là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho các sinh vật sống đơn giản trên Trái đất cách đây hàng tỷ năm.
TƯỜNG VY