Mặt trời của Thái Dương Hệ sẽ chết như thế nào?

Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) vừa cho công bố hình ảnh một ngôi sao đang hấp hối, phản ánh những gì sẽ xảy ra với Mặt trời của chúng ta trong 5 tỉ năm tới.

Ngôi sao đang hấp hối là Kohoutek 4-55, vốn được đặt theo tên nhà thiên văn học người Séc đã khám phá ra nó - Luboš Kohoutec. Ngôi sao này tọa lạc ở vị trí cách Trái đất 4.600 năm ánh sáng, ở hướng của chòm sao Cygnus và sở hữu khối lượng gần tương đương Mặt trời.

Ảnh chụp Kohoutek 4-55 đang hấp hối là "bức hình đẹp" cuối cùng mà ống kính WFPC2 của kính viễn vọng không gian Hubble chụp được trước khi "nghỉ hưu" sau 16 năm hoạt động liên tục. WFPC2 đã có công chụp rất nhiều bức ảnh mang tính biểu tượng, khiến cái tên Hubble trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.

Ảnh về cảnh tượng hấp hối của Kohoutek 4-55 thực tế là sản phẩm ghép giữa 3 bức ảnh riêng rẽ, với mỗi bức được chụp ở một bước sóng nhất định để phân lập ánh sáng đến từ các nguyên tử khí khác nhau. Các bước sóng khác nhau được mã hóa màu để hỗ trợ việc nhận diện. Trong đó, màu đỏ biểu thị cho khí nitơ, màu xanh lục đại diện hyđrô và màu xanh dương biểu thị cho oxy.


Ngôi sao đang hấp hối là Kohoutek 4-55.

Mô tả về bức ảnh, ESA cho biết: "Các xoáy khí bện xoắn phức tạp hé lộ tương lai xa xôi của Mặt trời của chúng ta. Trong 5 tỉ năm nữa, ngôi sao của chúng ta sẽ ở tình trạng đang hấp hối. Nó dự kiến sẽ hành xử đúng như những gì chúng ta đang thấy trong bức ảnh này: bong tróc các lớp bên ngoài để lộ phần lõi đang bốc cháy, sau đó trở thành một "khối than hồng" đang nguội tắt dần, gọi là sao lùn màu trắng.

Vào thời điểm ấy, Trái đất thậm chí đã "chết" từ trước đó rất lâu và bị thiêu rụi khi Mặt trời tận thế. Tuy nhiên, cảnh tượng Mặt trời đang hấp hối sẽ tỏa sáng lung linh khắp vũ trụ".

Các chuyên gia giải thích thêm rằng, khi một ngôi sao già đi, các phản ứng hạt nhân khiến nó sáng chói, bắt đầu suy giảm. Sự sản sinh năng lượng chững lại này khiến các ngôi sao dao động một cách bất thường, trút bỏ các lớp bên ngoài vào không gian. Và khi thải loại hết các lớp khí bên ngoài này, phần lõi siêu nóng sẽ lộ ra.

Lúc này, phần còn lại của ngôi sao sẽ phát tỏa lượng lớn ánh sáng cực tím. Bức xạ này khiến các cấu trúc vỏ khí tỏa sáng rực rỡ, tạo nên vẻ đẹp mong manh của tinh vân.

Cập nhật: 10/03/2016 Theo Vietnamnet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video