Con chip được thiết kế bởi Đại học Michigan đã vượt qua thử thách khắc nghiệt nhất trong giới lập trình.
Morpheus là mẫu chip được thiết kế bởi Đại học Michigan. Gần đây, loại chip này đã vượt qua một cuộc thử nghiệm quy mô lớn, với hơn 500 chuyên gia an ninh mạng dành ra ba tháng liền để hack nó.
Chip Morpheus với khả năng tự xáo trộn dữ liệu. (Ảnh: Đại học Michigan).
Dù khoảng thời gian ba tháng chưa đủ để chứng minh Morpheus hoàn toàn "bất bại", độ bảo mật của con chip là không thể xem thường.
Thử nghiệm trên được tổ chức bởi DARPA, một cơ quan phát triển công nghệ của Bộ Quốc phòng Mỹ, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 năm ngoái. Người đầu tiên phá vỡ được lớp bảo mật của con chip sẽ được thưởng một khoản tiền lớn. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của họ đều không thành.
Morpheus sử dụng công nghệ vừa mã hóa, vừa trộn lẫn các thông tin quan trọng của người dùng như địa điểm, dữ liệu và định dạng phần mềm một cách ngẫu nhiên.
“Như khối rubik có khả năng tự đảo vị trí của chính mình sau mỗi giây”, Todd Austin, người đứng đầu dự án chia sẻ. “Mẫu chip là bài toán vô cùng hóc búa”.
“Mỗi dòng mã lập trình đều có một lỗ hổng bảo mật nào đó. Nhưng với Morpheus, lỗ hổng này biến mất chỉ sau vài mili-giây, trước khi ai đó có thể khai thác nó”, chuyên gia này cho biết thêm.
Vài người cho rằng, mức độ xáo trộn dữ liệu của chip sẽ gây khó khăn cho việc sử dụng. Tuy nhiên, Austin đính chính rằng, Morpheus sẽ không phát sinh vấn đề gì.
Ngoài ra, công nghệ này được cho là chỉ ảnh hưởng đến 1% hiệu năng hệ thống.
Cho đến nay, thành quả Morpheus đem lại vẫn rất ấn tượng.