Máu sam đem lại sự sống

Ngày nay, có cả một ngành công nghiệp toàn cầu khai thác máu sam phục vụ ngành y tế. Nhưng số lượng sam trên toàn cầu đang giảm mạnh.

>>> Xe tăng thời tiền sử bò tung tăng dưới biển?

Ngành công nghiệp 50 triệu USD/năm

Theo CNN, các nhà khoa học phát hiện dòng máu xanh của loài sam (người phương Tây gọi là cua móng ngựa) có tác dụng vô hiệu hóa vi khuẩn độc hại.

Sinh vật có từ thời cổ đại này sống ở các vùng biển cạn, nơi có rất nhiều vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Sam không có hệ miễn dịch, nhưng có một cơ chế phòng vệ đặc biệt để chống vi khuẩn. Khi đối mặt với vi khuẩn độc hại, tế bào amip trong máu sam phát hiện và làm tê liệt chúng, không cho chúng lây lan.


Khai thác máu sam trong phòng thí nghiệm ở Mỹ - (Ảnh: CNN)

Phương pháp phòng vệ tự nhiên này hiện đang được khai thác trên quy mô công nghiệp. Ngành công nghiệp khai thác máu sam hiện trị giá 50 triệu USD/năm. Một gallon (3,7 lít) máu sam có giá lên đến 60.000 USD. Ước tính mỗi năm ngành này bắt 600.000 con sam để khai thác máu. 

Nhưng ngành công nghiệp này không tàn sát sam. Với mỗi con sam người ta chỉ khai thác 30% máu. Trong vòng 72 giờ sam được đưa lại về biển và một tuần sau lượng máu của chúng sẽ phục hồi. Dù vậy, tỷ lệ sam chết trong quá trình khai thác máu lên đến 10-30%.

Máu sam cứu hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày

Máu sam được đưa đến một số cơ sở chuyên biệt ở Mỹ và châu Á. Từ thập niên 1970, ngành y tế đã sử dụng máu sam để kiểm tra các loại thuốc chích, vắc xin hay dụng cụ y tế để xác định xem chúng có bị nhiễm vi khuẩn gram âm nguy hiểm hay không.

Chỉ 45 phút tiếp xúc với chất LAL trong máu sam là đủ để phát hiện nội độc tố từ vi khuẩn gram âm rất khó quan sát thấy. LAL nhạy đến mức có thể cô lập mối đe dọa nhỏ như một hạt cát trong một bể bơi lớn. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) luôn yêu cầu thuốc chích và các dụng cụ y tế tiếp xúc với cơ thể người bệnh phải qua kiểm tra bằng máu sam.

Do đó, máu sam có tác dụng cứu sống hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày. Bác sĩ John Dubczak thuộc Phòng thí nghiệm Charles River (Mỹ) cho biết, công nghệ phát hiện độc tố nhờ máu sam đang ngày càng trở nên nhạy và chính xác hơn.

Phòng thí nghiệm Charles River đang phát triển các thiết bị thử độc tố có thể được sử dụng bên ngoài phòng thí nghiệm, thậm chí trên không gian như Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

“Chúng ta có thể sử dụng nó để xác định xem có những loại vi khuẩn nào tồn tại trên bề mặt ISS” - chuyên gia Norman Wainwright, giám đốc nghiên cứu và phát triển Phòng thí nghiệm Charles River cho biết.

Hệ thống này cũng có thể giúp thực hiện các nghiên cứu sinh học cần thiết nhằm mở rộng sự hiện diện của con người trên không gian, từ sức khỏe của phi hành đoàn, nghiên cứu môi trường tàu vũ trụ cho đến nghiên cứu tìm sự sống trong hệ mặt trời.


Con sam - (Ảnh minh họa: Internet)

Các nhà khoa học Nhật cũng mới thực hiện thử nghiệm phát hiện tình trạng nhiễm nấm và nghiên cứu phát triển liệu pháp chống virus, chống ung thư dựa trên cơ chế cô lập và vô hiệu hóa độc tố của máu sam. Giới khoa học cũng đang nghiên cứu những cơ chế tương tự để tránh phụ thuộc vào máu sam.

Một trong số đó là sử dụng chip điện tử để báo động khi tiếp xúc với độc chất. Một hệ thống khác do ĐH Wisconsin-Madison phát triển sử dụng tinh thể lỏng với chức năng phát hiện và cảnh báo tương tự. Tuy nhiên bác sĩ Peter Armstrong thuộc ĐH California cho biết, chưa có cơ chế nào có thể đạt được độ chuẩn xác và nhạy như LAL trong máu sam.

Báo động khai thác sam

Vấn đề là số lượng sam trên toàn cầu đang sụt giảm. Nguồn sam lớn nhất thế giới nằm ở vịnh Delaware tại Mỹ, nhưng sụt giảm nghiêm trọng 75-90% trong 15 năm qua. Ngoài số lượng sam chết trong quá trình khai thác máu, các con sam sống sót còn bị chấn thương, mất khả năng giao phối, dẫn tới số lượng sam sụt giảm.

Chuyên gia y tế Christopher Chabot thuộc ĐH Plymouth State cho biết ngành khai thác máu sam phải tăng cường độ an toàn, ví dụ như giảm thời gian sam rời biển, đảm bảo nhiệt độ và môi trường phù hợp cho sam khi vận chuyển chúng nhằm giảm số lượng sam chết.

Tuy nhiên do số lượng sam sụt giảm mạnh nên giới khoa học phải tìm ra một cơ chế thay thế hiệu quả trong tương lai.

“Chưa rõ sam sẽ tuyệt chủng khi nào, nhưng đến lúc đó ngành y tế thế giới sẽ đối mặt với một thời kỳ đen tối” - chuyên gia Chabot cảnh báo.

Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video