Các nhà khoa học NASA, Mỹ, đã chế tạo thành công một loại máy bay do thám mini không người lái từ các vật liệu sinh học và đặc biệt hơn, loại máy bay này có khả năng tự hủy trong trường hợp bị kẻ địch phát hiện.
Công việc do thám luôn phải diễn ra một cách bí mật, chính vì vậy, các nhà khoa học của NASA, Mỹ đã chế tạo một loại máy bay do thám không người lái từ vật liệu sinh học có khả năng tự hủy trong trường hợp không may bị kẻ địch phát hiện.
Bản mẫu của chiếc máy bay do thám mini chế tạo từ vật liệu sinh học có khả năng tự hủy.
Vật liệu sinh học mà các nhà khoa học sử dụng là một hỗn hợp gồm các sợi nấm, vi khuẩn và nước bọt ong bắp cày. Dù thoạt nghe có vẻ khá điên rồ và không khả thi nhưng trên thực tế, lớp thân chính của chiếc máy bay do thám này là một lớp nhựa sinh học được tạo nên từ việc kết hợp các sợi nấm và kết cấu nhân tạo dạng sợi. Sau khi được chế tạo hoàn chỉnh, lớp thân chính sẽ được bọc một lớp cellulose được tạo ra từ vi khuẩn trong phòng thí nghiệm.
Với đặc tính dẻo, dai và dính, lớp cellulose này được coi như lớp gắn kết phần thân với lớp vỏ. Lớp vỏ ngoài của máy bay được tạo nên từ vật liệu nhân tạo mô phỏng cấu tạo nước bọt ong bắp cày, chất vốn là thành phần chính cấu tạo nên lớp tổ ong, lớp vỏ ngày đem đến khả năng chống thấm nước.
Mẫu vật liệu sinh học được dùng để chế tạo chiếc máy bay do thám mini có khả năng tự hủy.
Các lớp cấu tạo nên loại máy bay do thám đặc biệt này được làm riêng rẽ, khi bị phát hiện, máy bay sẽ tự hủy bằng cách tự đâm vỡ, làm các lớp vỏ tương tác với nhau và tan rã thành dạng nước. Các lớp vỏ sau khi tương tác sẽ xảy ra các phản ứng sinh hóa, tự làm phân rã và phân hủy phần thân máy bay, tuy nhiên vẫn còn một số bộ phận cơ khí còn sót lại.
Ngoài việc ứng dụng vào chế tạo các thiết bị do thám tự hủy, cách chế tạo vật liệu sinh học này cũng được mong đợi ứng dụng vào việc chế tạo các sản phẩm thân thiện với môi trường, các đồ dùng sử dụng 1 lần, từ đó giảm thiểu lượng tiêu thụ các vật liệu không tự phân hủy, có hại với môi trường như nhựa, nilon.