Công ty Hybrid Air Vehicles công bố thiết kế mới của máy bay lai khinh khí cầu có thể cách mạng hóa giao thông giữa các thành phố và giảm thải khí CO2.
Theo Hybrid Air Vehicles, phương tiện mang tên Airlander 10 với cấu tạo một phần giống khinh khí cầu rất phù hợp với hành trình từ thành phố này tới thành phố khác, như Liverpool - Belfast (Anh), Barcelona - Palma (Tây Ban Nha), hoặc Seattle - Vancouver (Canada).
Thiết kế của máy bay Airlander 10. (Ảnh: Hybrid Air Vehicles).
Hành trình bằng máy bay lai khinh khí cầu có thể dài hơn một chút so với máy bay thường. Ví dụ, chuyến bay từ Liverpool tới Belfast qua biển Ireland dài xấp xỉ 4 giờ 24 phút, bao gồm soát vé và kiểm tra an ninh, trong khi bay bằng Airlander 10 mất 5 giờ 20 phút. Tuy nhiên, phương tiện chỉ thải 4,75 kg CO2 trên mỗi hành khách so với 67,75 kg CO2 nếu di chuyển bằng máy bay thường.
Hybrid Air Vehicles cho biết mẫu Airlander 10 tiêu chuẩn có thể hoàn thành cùng hành trình với lượng khí thải ít hơn 75% so với máy bay truyền thống. Họ hy vọng có thể giới thiệu phiên bản lai điện giúp giảm 90% khí thải vào năm 2025 và phiên bản hoạt động hoàn toàn bằng điện không thải khí vào năm 2030.
Khoảng 2,4% khí thải CO2 trên toàn cầu đến từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong công nghiệp hàng không và vệt hơi nước do máy bay giải phóng, đóng góp 5% vào sự ấm lên toàn cầu. Ngoài nỗ lực bảo vệ môi trường, Hybrid Air Vehicles còn hy vọng có thể đem lại trải nghiệm thoải mái hơn cho hành khách bằng cách cải thiện ghế ngồi và khoảng duỗi chân tối thiểu.
Hybrid Air Vehicles đã bay thử nguyên mẫu cỡ lớn của Airlander 10. Công ty chi 150 triệu USD để phát triển Airlander 10 và công nghệ đi kèm. Họ nhận được vốn trợ cấp từ cả châu Âu và Anh, cũng như kinh phí đầu tư từ Bộ Quốc phòng Mỹ.