Máy bay vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới

Tenacity, máy bay vũ trụ vận chuyển hàng hóa cho trạm ISS, bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho vụ phóng đầu tiên cuối năm 2024.

Máy bay vũ trụ thương mại có cánh đầu tiên trên thế giới, Tenacity, đã tới Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở bang Florida, Mỹ, New Atlas hôm 20/5 đưa tin. Đây là điểm đến cuối cùng trước khi máy bay này thực hiện nhiệm vụ đầu tiên tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cuối năm nay.


Mô phỏng máy bay vũ trụ Tenacity. (Ảnh: Sierra Space).

Sau quá trình kiểm tra nghiêm ngặt tại Cơ sở thử nghiệm Neil Armstrong tại bang Ohio, Tenacity, máy bay vũ trụ đầu tiên thuộc dòng Dream Chaser do công ty Mỹ Sierra Space chế tạo, đã có thể bắt đầu những bước chuẩn bị cuối cùng trước khi phóng, ví dụ như hoàn thiện hệ thống bảo vệ nhiệt và tích hợp tải trọng. Vụ phóng đầu tiên dự kiến diễn ra cuối năm nay, trong đó Tenacity sẽ "đi nhờ" trên tên lửa Vulcan của công ty Mỹ United Launch Alliance (ULA) để vận chuyển 3.540kg thực phẩm, nước và các bộ thí nghiệm khoa học lên trạm ISS.

Dream Chaser được phát triển từ tháng 9/2004 và ban đầu dự kiến nằm trong chương trình Phi hành đoàn Thương mại của NASA - chương trình đưa đón các phi hành gia đến và đi khỏi trạm ISS. Tuy nhiên, nó đã bị các phương tiện của Boeing và SpaceX chiếm chỗ vào năm 2014, khi hai công ty này ký hợp đồng Khả năng Vận chuyển Phi hành đoàn Thương mại (CCtCap) trị giá 6,8 tỷ USD.

Không lâu sau, Dream Chaser được NASA chú ý trở lại. Năm 2016, một phiên bản máy bay vũ trụ nhỏ gọn hơn và không chở người được NASA chọn làm phương tiện đầu tiên thuộc loại này để chở hàng hóa quan trọng lên trạm ISS, đồng thời đưa hàng hóa từ ISS về Trái đất.


Quá trình lắp ráp máy bay vũ trụ và module Shooting Star. (Video: Sierra Space).

Tenacity sẽ là chiếc đầu tiên trong đội ngũ máy bay vũ trụ kiểu thân nâng linh hoạt, có thể tái sử dụng cho những chuyến giao hàng quỹ đạo thấp. Máy bay có các bộ đẩy bên trong với ba chế độ để đáp chính xác xuống trạm ISS và cánh cố định để lao trở lại khí quyển Trái đất và tự động hạ cánh xuống đường băng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy.

Shooting Star, module chở hàng ghép nối với Tenacity, đã đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy từ ngày 11/5 và sẽ không trở lại Trái đất nguyên vẹn. Module nhỏ gọn này dài 4 m, có thể chứa tới 3.175 kg hàng hóa và thêm một khoang chứa bổ sung bên ngoài, được thiết kế để cháy rụi khi hồi quyển. Shooting Star cùng khoảng 2.590 kg rác sẽ phân rã nhờ "lò thiêu" hoạt động bằng áp suất khí quyển của Trái đất.

Tenacity dự kiến phóng từ Tổ hợp Phóng Không gian 41 tại Trạm Lực lượng Vũ trụ Cape Canaveral và ghép nối với trạm ISS khoảng 45 ngày, sau đó "tạm biệt" module chở hàng và lao xuống để hạ cánh trên đường băng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy.

Sierra Space dự định vận hành một dây chuyền sản xuất để lắp ráp các module Shooting Star. Mỗi nhiệm vụ đòi hỏi một module mới do chúng không thể tái sử dụng. NASA sẽ tiến hành ít nhất 7 nhiệm vụ chở hàng với Tenacity, có thể tăng sức chở của máy bay và kéo dài nhiệm vụ thành 75 ngày trong tương lai.

Cập nhật: 24/05/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video