SEPIA, thiết bị tích hợp trên kính thiên văn APEX không chỉ xác định được nước và những phân tử khác trong thiên hà, mà còn có thể săn tìm được nước từ thời vũ trụ sơ khai.
Công cụ mới giúp các nhà thiên văn thực hiện các nhiệm vụ khoa học
Theo Gizmag, SEPIA thực chất là một máy dò quang phổ cực nhạy do Thụy Điển chế tạo để tìm kiếm bước sóng ánh sáng nhất định (từ 1,4 - 1,9mm) - vùng bước sóng cho thấy nước hiện diện. Nước là một trong nhiều chỉ số quan trọng trong vật lý thiên văn, chìa khóa của nguồn gốc sự sống.
SEPIA được lắp đặt hồi đầu năm 2015. (Ảnh: ESO).
Do đó, nghiên cứu về nước trong vũ trụ như trong các đám mây phân tử, trong vùng hình thành sao, hoặc thậm chí là sao chổi trong Hệ Mặt Trời, sẽ cung cấp thông tin quan trọng về vai trò của nước trong dải Ngân hà và lịch sử Trái Đất. Ngoài ra, độ nhạy của SEPIA khiến nó trở thành công cụ tuyệt vời để phát hiện CO và carbon ion hóa của vũ trụ thời sơ khai.
Hồi đầu năm, nó được gắn trên ăng-ten chảo APEX, trong tổ hợp kính thiên văn vô tuyến ALMA đặt tại sa mạc Atcama, phía bắc Chile, nơi có nhiệt độ ổn định chỉ hơn 0 độ C một chút, nhằm đảm bảo bộ cảm biến được làm lạnh để hoạt động tối ưu.
Thông thường, những bộ cảm biến như SEPIA sẽ bị tác động bởi lượng lớn hơi nước trong khí quyển dày đặc của Trái Đất, khiến cho việc săn tìm dấu hiệu nguồn nước ngoài vũ trụ gặp khó khăn. Tuy nhiên, APEX được đặt rất cao trên cao nguyên Chajnanto, nơi cao hơn mực nước biển 5.000 mét và độ ẩm cực thấp, nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi hơi nước trong khí quyển địa cầu.
Ăng-ten chảo thiên văn APEX ở Chile. (Ảnh: ESO).
Từ đầu năm đến nay, SEPIA đang chạy thử, và cho kết quả tốt. Sau khi hoàn tất chạy thử, nó sẽ phục vụ cộng đồng khoa học toàn cầu. John Conway, giám đốc trạm quan sát thiên văn vũ trụ Thụy Điển Onsala đánh giá thiết bị này sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới cho ngành thiên văn học trong việc tìm kiếm và theo dõi đối tượng bằng hình ảnh có độ phân giải cao.