Máy <i>“ngửi”</i> nhanh hơn, chính xác hơn

Các nhà khoa học Mỹ hôm 12/6 cho biết đã thử nghiệm thành công một thiết bị dò tìm mới, có khả năng phát hiện cùng lúc nhiều tác nhân nguy hiểm khác nhau, với độ nhạy rất cao và tỉ lệ báo động sai rất thấp. 

Các chuyên gia thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (LLNL) của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ vừa hoàn thiện một sáng chế tên là “hệ thống phun hạt đơn - đo khối phổ” (Single-Particle Aerosol Mass Spectrometry - SPAMS). Thiết bị này không chỉ “ngửi” được ma túy hay chất nổ mà còn nhận diện được những tác nhân sinh học, hóa học và hạt nhân nguy hiểm.

Tiến sĩ George Farquar, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết SPAMS có khả năng phát hiện một lượng vật chất rất nhỏ, chẳng hạn như một hạt có kích thước bằng hạt bụi, chỉ nặng 1 phần ngàn tỷ gram, dính trên quần áo hay hành lý của một cá nhân. Ông nhấn mạnh: “Điều này rất quan trọng vì khi một người nào đó tiếp xúc với chất nổ hay tác nhân hóa học thì rất có thể có chút ít chất đó dính vào người họ”.

Tiến sĩ Matthias Frank phát biểu: “Chúng tôi tin rằng SPAMS là công cụ dò tìm duy nhất có thể cùng lúc phát hiện nhiều mối đe dọa khác nhau và phát đi tín hiệu báo động rất nhanh”.

Chuyên gia Audrey Martin đang điều chỉnh ống kính của SPAMS. (Ảnh: LLNL)

Hơn nữa, thiết bị này không cần phải được “reset” (xác lập lại) giữa các lần sử dụng. Tiến sĩ Frank giải thích: “Thông thường thì khối phổ kế phải được điều chỉnh để tương thích với mỗi loại chất cần dò tìm. Nhưng với SPAMS, người sử dụng không phải định cấu hình lại (reconfigure) cho từng loại tác nhân”.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm SPAMS đối với các tác nhân như: bào tử của một dòng vi khuẩn Bacillus anthracis (gây bệnh than), Diethyl phthalate (một tác nhân thần kinh), bột Cobalt thiên nhiên (chất thay thế cho Cobalt-60 và các kim loại phóng xạ khác), pseudoephedrine (dùng để bào chế methamphetamine – 1 chất ma tuý tổng hợp), và thuốc nổ RDX. SPAMS đã nhận diện chính xác từng tác nhân này trong vòng chưa tới 1 phút.

Nhà vật lý học Paul Steele cho biết: “Điều mà chúng tôi đã làm được là tạo ra một công cụ dò tìm rất nhanh, với độ nhạy rất lớn và tỉ lệ báo động sai rất thấp”. Ông nhấn mạnh: “Thiết bị này là độc nhất hiện nay. Các thiết bị khác tuy nhanh và nhạy tương đương nhưng lại có tỉ lệ báo động sai cao hơn”.

Công trình nghiên cứu này vừa được công bố trên tập san Hóa phân tích của Hội Hóa học Hoa Kỳ.

Trúc Thịnh (Theo Reuters, LLNL, VietNamNet)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video