Máy trồng hành tím tự động, chạy bằng năng lượng mặt trời

Máy sẽ đảm nhận toàn bộ quy trình trồng hành tím từ việc xới đất, gieo hạt giống, lấp đất với công suất 1 giờ/ 1,5ha, gấp 4 lần so với làm thủ công.

Chiếc máy trồng hành tím chạy bằng năng lượng mặt trời là kết quả nghiên cứu của nhóm sinh viên gồm: Phan Thanh Hưng, Nguyễn Tâm, Nguyễn Quốc Tiến, cùng là sinh viên Khoa khoa học và ứng dụng, ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi).


Ba chàng sinh viên ĐH Phạm Văn Đồng, tác giả máy trồng hành tím. (Ảnh: NVCC).

Nguyễn Tâm, thành viên nhóm, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Địa phương này được xem là “thủ phủ” của hành tím. Ngay từ nhỏ Tâm đã nhìn thấy người dân phải bỏ rất nhiều công sức trong việc trồng hành tím vì phải huy động rất nhiều người.

Khi vào học tại trường ĐH Phạm Văn Đồng, Tâm đã chia sẻ ý tưởng và cùng những người bạn của mình là Phan Thanh Hưng và Nguyễn Quốc Tiến tạo ra chiếc máy trồng hành tím tự động để giúp nông dân quê hương.

Sau hơn 3 tháng mày mò nghiên cứu, nhóm đã cho ra sản phẩm máy trồng hành tím sử dụng năng lượng mặt trời.

Phan Thanh Hưng, Trưởng nhóm cho biết, chiếc máy này sử dụng cơ cấu xới đất có hình dạng đầu xới là một hình tam giác cân gắn theo nó là một bộ điều chỉnh tịnh tiến lên xuống để xới cho phù hợp với địa hình. Việc điều chỉnh này hoàn toàn thủ công nên người dùng dễ dàng thao tác và sửa chữa khi gặp sự cố.

Bộ phận lấy hạt giống được xử lí bằng cơ cấu truyền động của xích. Trên bộ truyền được tích hợp những chiếc muỗng làm nhiệm vụ đưa hạt giống vào một cái phễu và từ phễu rơi xuống lỗ đã được xới trước đó.

Bộ phận di chuyển của máy và truyền động múc hành tím được gắn theo nó là một bộ bận nạp và tải năng lượng mặt trời sử dụng cho quá trình hoạt động được lâu hơn. Sau khi hoàn thành các công đoạn này, máy sẽ tự động lấp đất lại.

Trên mỗi bộ sử dụng động cơ được tích hợp cảm biến để thay đổi tốc độ phù hợp với địa hình. Cuối cùng là bộ điều khiển hướng đi cho xe được thiết kế có cấu tạo tương tự như vô lăng xe ô tô.

“Nhóm đã tiến hành thử nghiệm tại một vườn trồng hành tím và hiệu quả đã tăng gấp 4 lần so với năng suất một người trồng. Trong vòng 1 giờ, máy có thể trồng được trên khoảng đất rộng 1,5ha với khoảng cách giữa các dòng và luống là 12cm” - Hưng tự hào nói.

Nhóm cũng đã tính toán về chi phí giá thành của chiếc máy này vào khoảng 6 triệu đồng, hoàn toàn phù hợp với khả năng kinh tế của đa số nông dân địa phương.

Nguyễn Quốc Tiến, thành viên nhóm, chia sẻ, quá trình làm nhóm gặp rất nhiều khó khăn như chi phí khi làm sai nhiều lần, vật liệu làm khan hiếm phải đặt trên mạng. Có một lần nhóm chạy thử nghiệm thì rơ le cảm biến bị cháy là thế là chỉ biết mang máy về và tiếp tục tìm rơ le thay thế.


Chiếc máy trồng hành tím tự động của nhóm. (Ảnh: NVCC).

PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyên phân viện trưởng phân viện cơ khí – tự động hóa, đánh giá máy trồng hành tím của nhóm cơ cấu khá lạ và hay nhưng cần nâng cấp thêm để đạt hiệu quả hơn nữa.

“Hạn chế của sản phẩm hiện giờ tốc độ trồng có thể nhanh nhưng tính đảm bảo các yếu tố kĩ thuật so với trồng hành tím thủ công vẫn chưa đạt đến. Vì thế cần nâng câp thêm nữa để hoàn thiện toàn bộ quy trình thực hiện đạt đúng các yêu cầu đề ra” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm cho biết.

Các thành viên nhóm cho biết, trong thời gian tới sẽ tiến hành sản xuất để phục vụ người nông dân và học hỏi thêm để nâng cấp để sản phẩm trở nên ưu việt hơn.

Chiếc máy trồng hành tím tự động của nhóm đã xuất sắc giành giải Khuyến khích, giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka do Thành đoàn TP.HCM tổ chức vào cuối năm 2018.

Cập nhật: 21/03/2019 Theo khampha
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video