Mê mẩn ảnh đẹp đại dương năm 2019

Những bức ảnh đại dương ấn tượng năm 2019 được trang The Guardian lựa chọn trong cuộc thi thường niên của mình. Đây là lần thứ tư giải thưởng được tổ chức.


Bức ảnh "Chàng trai khổng lồ" của tác giả François Baelen chụp tại vùng biển đảo Reunion (thuộc Pháp) giành giải nhất hạng mục ảnh góc rộng. Ông Baelen chia sẻ vào mỗi cuối ngày, con cá voi lưng gù sẽ thư giãn sau 1 ngày hoạt động bằng cách thả người ở độ sâu 15m. Đây là cơ hội cho Baelen tiếp cận từ phía sau với khoảng cách cực gần và ghi lại khoảnh khắc kỳ vĩ này.


Tác phẩm thắng giải hạng mục ảnh khổng lồ là bức ảnh của tác giả Fabio Iardino (Ý) ghi lại chuyển động nhanh của loài mực ở Vịnh Trieste. Tác giả chia sẻ: "Sau nhiều lần đi lặn biển đêm, tôi ấn tượng với loài mực có tên khoa học là Sepiola. Tôi đã quyết định sử dụng kỹ thuật lia máy đồng thời dùng ánh sáng flash tốc độ chậm để ghi lại chuyển động này".


Giải nhất hạng mục "Vật thể bị lãng quên" năm 2019 thuộc về bức ảnh tên "Những khẩu súng khổng lồ" của tác giả René B. Andersen (Đan Mạch). Vật thể được phát hiện ở ngoài khơi vùng biển Malin Head (Ireland) này chìm xuống lòng đại dương từ những năm 1914. Để chụp được bức ảnh này, Andersen phải dùng 3 bóng đèn đặc biệt để tăng độ sáng cho những khẩu súng đang nằm ở độ sâu 64m.


Bức ảnh có tên "Găng tay sắt" của Richard Barnden được trao giải nhất hạng mục ảnh hoạt động. Tác giả cho biết mỗi đêm đàn cá mập có khi lên đến 700 con lại kéo nhau đi săn mồi ở Fakarava South Pass ở vùng Polynesie (thuộc Pháp). "Khi đó tôi thấy một con cá vẹt đang cố lẩn trốn bầy cá mập trong những đám san hô nhưng rồi cũng bất lực trở thành mồi cho kẻ thù. Tôi đã may mắn ghi lại được khoảnh khắc này" - Barnden nói.


Giải nhất hạng mục chân dung thuộc về bức ảnh tên "Bay cao và mỉm cười" của Nicholas Samaras (Hy Lạp) ghi lại hình ảnh một con cá đuối ở Stratoni, thuộc bán đảo Chalkidiki, miền bắc Hy Lạp. Samaras chia sẻ các tay bơi và thợ lặn đã bỏ qua vùng biển này do tác động của một bãi vàng gần khu vực vịnh. Trong một chuyến đi chụp ảnh cá ngựa, nhóm của Samaras bất ngờ bắt gặp một con cá đuối nhỏ và quyết định đặt camera bên dưới nó để chụp ảnh. Kết quả, Samaras thu được một tác phẩm nhìn thấy mắt và miệng cá xếp thành hình như thể nó đang tươi cười.


Tác phẩm tên "Giữa 2 thế giới" của Henley Spiers (Philippines) giành giải nhất ảnh trắng đen. Bức ảnh được Spiers thực hiện ở vùng biển Isla Espiritu Santo, thuộc Baja California, Mexico, ghi lại sự đối lập giữa 1 đàn cá khổng lồ và một con chim cốc trên mặt nước. Con chim cốc - với cấu tạo cơ thể đặc biệt - có thể lao thẳng xuống nước với tốc độ cao và bắt cá làm mồi. Bên phía đối diện, bầy cá cố gắng di chuyển một cách hợp lý nhất để tránh khỏi chiếc mỏ sắc bén của loài chim này.


Tác phẩm giành giải hạng mục kết hợp năm nay thuộc về bức ảnh tên "Đám bù xù trong bình minh", được chụp bởi nhiếp ảnh gia Enrico Somogyi (Đức) tại Ambon, Indonesia. Tác giả chia sẻ: "Tôi đã dậy sớm và chụp ảnh bình minh, sau đó tôi chụp thêm con cá ếch lớn dưới mặt nước. Sau khi ghép lại, tôi có được một bức ảnh đẹp mắt".


Bức ảnh "Thiên đường" do Taeyup Kim (Hàn Quốc) được chụp tại vùng Polynesie (Pháp) thắng giải nhất hạng mục ảnh "Trên - Dưới". Để có thể ghi lại được khung cảnh này, Kim đã mất nhiều thời gian lên xuống một chiếc thuyền ngoài đảo để lấy vừa lấy được cảnh trên bờ, vừa lấy được cảnh san hô dưới mặt nước. "Con thuyền không đứng yên mà cứ chao đảo làm tôi rất khó hoàn thành tác phẩm" - Kim nói.


Bức ảnh chụp một cá thể hải cẩu ăn cua tại vịnh Pleneau, bán đảo Nam Cực đoạt giải nhì hạng mục ảnh góc rộng. Từ năm 2009, nhà sinh vật học Jessica Farrer (Mỹ) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về những loài hải cẩu và thường xuyên lui tới vùng Nam Cực để nghiên cứu. Bức ảnh tên "Những con hải cẩu hiếu kỳ" (trên hình), theo Farrer, là tác phẩm cô ưng ý nhất trong khoảng thời gian công tác tại Nam Cực bởi để ghi lại được khoảnh khắc con hải cẩu bơi quanh một tảng băng trôi, Farrer đã tốn nhiều nỗ lực quan sát và làm quen với chúng.


Tác phẩm của Tobias Friedrich (Đức) về con tàu Chrisoula K ở dưới biển Đỏ đã giành giải nhì hạng mục "Vật thể bị lãng quên". Tác giả chia sẻ do có quá nhiều mảnh vỡ quá lớn không thể đưa vào trong một khung hình, Friedrich đã quyết định ghép những tấm ảnh khác nhau thành một tấm ảnh rộng để có cái nhìn toàn cảnh về con tàu này.


Tác phẩm "Quái thú Godzilla" của tác giả Bruce Sudweeks (Mỹ) chụp ở Galapagos, Ecuador giành giải nhì hạng mục ảnh chân dung. Galapagos vốn nổi tiếng về sự đa dạng sinh học của mình, và tác giả Sudweeks đã may mắn khi ghi lại hình ảnh một con cự đà biển ở một khoảng cách cực gần, tạo cho người nhìn cảm giác nó đang mỉm cười.


Bức ảnh của tác giả Ken Kiefer (Mỹ) ghi lại tại quần đảo Grand Cayman (Anh) đã giành giải nhì hạng mục ảnh trắng đen. Kiefer kể lại mình cùng vợ đến quần đảo Grand Cayman lần đầu tiên và quyết định thuê tàu đi lặn. Tuy nhiên bất ngờ, hàng trăm ngàn con cá bơi ngang khi 2 vợ chồng đang xem san hô như thể chúng đang chạy trốn khỏi kẻ thù. "Đây thật sự là một khoảnh khắc diệu kỳ" - Kiefer nói.


Bức ảnh trên thắng giải nhì hạng mục ảnh "Trên - Dưới". Tác phẩm được chụp bởi nhiếp ảnh gia Matej Bergoc (Slovenia) ở đảo Solta, Croatia. Bergoc kể lại trong những ngày du lịch trên đảo Solta, anh lên ý tưởng chụp ảnh bóng của bạn gái trên nền nước biển xanh thẫm. "Chúng tôi phải rất khó khăn để mọi thứ, nhất là nhân vật chính, vào khung hình một cách hoàn hảo. Khó nhất là việc làm thế nào để bạn gái tôi ngồi được trên chiếc tàu mà không có bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào" - Bergoc nói.

Cập nhật: 04/03/2019 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video