"Microsoft - Yahoo sáp nhập": Những dịch vụ nào sẽ tuyệt chủng?

Mặc dù khả năng về một vụ siêu sáp nhập giữa Microsoft với Yahoo vẫn còn ở rất xa, song giới phân tích đều nhận định "Không phải là không có cơ sở". 

Câu hỏi đặt ra lúc này là nếu như sáp nhập thật, thì giữa hai dịch vụ, sản phẩm hoặc công nghệ tương tự nhau của hai hãng, cái nào sẽ trụ lại được còn cái nào sẽ bị đào thải.

1. MSN.com và Yahoo.com

Bộ mặt trực tuyến của Microsoft bao gồm cả MSN.com lẫn Windows Live, nhưng cái sau nghiêng về tìm kiếm nhiều hơn.

Mặt tiền của MSN hướng đến hai "tài nguyên" chủ chốt của Microsoft là MSN Messenger và Hotmail, ngoài ra còn có My MSN và MSN Directory. Trong khi ấy, trang chủ của Yahoo lại hướng người dùng đến ứng dụng email, kèm theo đủ loại "cột kèo", chuyên mục rất rộng như Geocities, Yahoo Groups, Yahoo Music, Yahoo Personals.

Cả MSN.com lẫn Yahoo.com đều cho phép người dùng tùy biến và chỉnh sửa giao diện theo gu và sở thích riêng của mình thông qua tính năng My MSN và Yahoo Personals.

Còn đối với phiên bản chuẩn, ai cũng dễ dàng nhận thấy nỗ lực đưa tin của cả hai. Mặc dù vậy, Yahoo nghiêng về tin thời sự thế giới, còn MSN nhấn mạnh đến các bài phân tích, chuyên sâu.

Các số liệu: Yahoo và Microsoft đều thuộc hàng "Top" về website trực tuyến, với lần lượt 108 triệu và 95 triệu khách truy cập riêng trong tháng 3. (Google thu hút 108 triệu người cũng trong khoảng thời gian này). Doanh thu thường niên của Yahoo là 6,4 tỷ USD, còn doanh thu MSN vào khoảng 4 tỷ USD.

Tác động của vụ sáp nhập: Không đáng kể. Hầu hết các nội dung (không kể phóng sự, phân tích, bình luận) xuất hiện trên trang chủ Yahoo cũng có thể tìm thấy được trên MSN, lấy thí dụ như loạt tin về Người nhện 3. Nếu chẳng may sáp nhập thật, và một site này thay thế hoàn toàn site kia, bạn vẫn đọc được những nội dung quen thuộc. Bởi không có lý do gì để nhà quản trị gỡ bỏ một số nội dung hiện có đi cả.

2. Yahoo Search và Windows Live Search

Nguồn: Reuters
Tìm kiếm chính là phần được quan tâm nhất của vụ sáp nhập. Theo số liệu của comScore, cùng với nhau Yahoo và MSN chiếm khoảng 38,4% thị phần tìm kiếm tại Mỹ trong tháng 3, vẫn thua xa thị phần 48,3% của Google.

Các dịch vụ tìm kiếm của Yahoo đều khiến người ta nhớ đến Google: nào là "Web", nào là "hình ảnh", nào là "địa phương"... Yahoo cũng tìm kiếm cả video, nhưng MSN thì chưa. Thay vào đó, MSN mới áp dụng một tính năng thử nghiệm có tên "Hỏi & đáp", nơi người dùng có thể nêu câu hỏi để những người dùng khác trả lời.

Microsoft sử dụng công cụ tìm kiếm Live Search do hãng tự phát triển, theo đó, các thông tin liên quan sẽ được xếp lên trên kết quả tìm kiếm. Lấy thí dụ, nếu bạn gõ vào từ khóa "bóng chày", nó sẽ hiển thị ra bảng tỉ số các trận đấu trước khi liệt kê đường link.

Tác động của vụ sáp nhập: Một cuộc nội chiến. Dường như Microsoft đang đi theo hướng bơm thêm nội dung vào mặt người dùng, trong khi Yahoo lại hướng đến việc tinh giản, tập trung hóa công cụ tìm kiếm.

Điều này có nghĩa là nếu vụ sáp nhập xảy ra, ban điều hành mới sẽ phải quyết định phải chọn 1 trong 2 hướng nói trên. PC Mag thì đoán là Microsoft sẽ "thắng" trong vòng đấu này và loại Yahoo Search ra khỏi cuộc chiến. Nhưng mà dù thế nào, Google vẫn cứ trên cơ.

3. MSN Web Messenger với Windows Live Messenger và Yahoo Messenger

Microsoft đang tự làm hại chính mình bởi sự phức tạp về thương hiệu. Web Messenger là phiên bản Webmail của IM, trong khi Windows Live Messenger là một ứng dụng độc lập.

Yahoo Messenger cho phép chia sẻ file, chia sẻ ảnh, xem Webcam và thực hiện các cuộc gọi điện thoại miễn phí. Chương trình này cũng chấp nhận tiện ích plug-in của các hãng thứ ba. Về phần mình, ngoài những tính năng mà Yahoo cung cấp, Windows Live Messenger còn bổ sung thêm SMS và thông báo khi người dùng có tin nhắn mới.

Tác động của vụ sáp nhập: Không căng thẳng lắm. Nếu Yahoo và Microsoft sáp nhập, rất có thể các dịch vụ IM nói trên sẽ kết nối thẳng được với nhau.

Căn cứ trên mức độ hiếu thắng của Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer, rất có thể ông ta sẽ đòi khuếch trương thương hiệu của Microsoft. Nếu thế thật thì đấy sẽ là một sai lầm lớn, vì Yahoo Messenger hơn hẳn cả hai dịch vụ của Microsoft, cũng như Google Talk của Google.

4. Hotmail và Yahoo Mail

Sở dĩ dịch vụ Gmail của Google ra đời và nhanh chóng thành công là vì cả Yahoo và Hotmail đều tỏ ra rón rén khi gia nhập thị trường email. Hai dịch vụ này tỏ ra "ki bo" trong việc bổ sung thêm tính năng mới, cũng như mở rộng dung lượng hòm thư miễn phí.

Phải đến khi Gmail gây sốc cho cả thị trường bằng hòm mail 2 GB miễn phí, Yahoo và Hotmail mới "thất kinh". Yahoo tỏ ra quyết liệt hơn khi tiến hành đại phẫu, mông má lại giao diện và tính năng cho Yahoo Mail, trong khi Hotmail vẫn giống như một ông già mệt mỏi. Cả ba dịch vụ Gmail, Hotmail, Yahoo Mail đều có bộ lọc thư rác và tính năng tự động scan virus (dù không mấy hiệu quả).

Tác động của vụ sáp nhập: Không đáng kể. Người dùng luôn gắn bó với những địa chỉ email mà họ quen dùng, dù sáp nhập hay không sáp nhập thì thói quen đó cũng không thay đổi. Trừ phi một thay đổi chấn động (thí dụ như tuyên bố nâng dung lượng hòm thư miễn phí lên... 20GB) mới có thể tạo nên sự khác biệt.

5. Nội dung

Các nội dung mà Yahoo đang cung cấp bao gồm Yahoo! Sports, Yahoo! Finance, Yahoo!Music, Yahoo Movies, Yahoo News và Yahoo Games. Chúng được tổng hợp từ rất nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả Ziff-Davids, các hãng thông tấn đối tác.

MSN cũng có một bề mặt nội dung hết sức sâu rộng, nhờ việc bắt tay với mạng truyền hình cáp MSNBC và tạp chí Slate.

Tác động của vụ sáp nhập: Một núi băng sẽ xuất hiện. Đúng là phần lớn tảng băng vẫn chìm dưới nước, nhưng nên nhớ rằng cả Yahoo lẫn MSN đều giấu đại bộ phận nội dung của họ khỏi trang chính. Căn cứ trên số lượng người dùng hiện tại, có vẻ như Yahoo làm tốt hơn MSN: thiết kế giao diện hợp lý hơn (ít buộc người xem phải di chuột xuống dưới màn hình).

6. Di động: Yahoo Mobile và MSN Mobile

Microsoft có một cổng WAP tại địa chỉ mobile.live.com, nơi họ tích hợp Hotmail, Messenger, Spaces, Local v..v.. - nhưng dù sao vẫn là bằng một định dạng cũ kỹ, lỗi thời.

Yahoo! Go tân tiến hơn khi cung cấp một loạt ứng dụng tích hợp vừa mạnh mẽ, vừa hào nhoáng tới nhiều thiết bị khác nhau. Đây đều là những ứng dụng đầy màu sắc, mang tính tùy biến cao và sử dụng khá thú vị.

Cả MSN Mobile lẫn Yahoo Mobile đều cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin bản địa và chức năng tùy biến. Hôm 20/3 vừa qua, Yahoo nỗ lực trình làng "OneSearch", một tính năng "trả lời nhanh": mang đến những thông tin thiết thực hơn là chỉ liệt kê kết quả tìm kiếm. Yahoo tuyên bố hơn 100 triệu điện thoại, tương đương 85% thị trường di động hiện nay có thể truy cập vào OneSearch.

Tuy nhiên, con khủng long thực sự phải là Windows Mobile với vị thế thống trị làng smartphone tại Mỹ. Nhưng không thể phủ nhận Yahoo theo đuổi một chính sách di động rộng hơn Microsoft, hỗ trợ tích cực điện thoại dùng hệ điều hành Symbian. Nên nhớ bên ngoài nước Mỹ, Symbian phổ biến tới khó tin.

Tác động sau vụ sáp nhập: Microsoft tiếp quản. Yahoo có nhiều sản phẩm và ý tưởng tuyệt vời, nhưng họ vẫn đang thiếu một thuyền trưởng tài ba để lèo lái con tàu.

7. Quảng cáo: Yahoo Search Marketing và Microsoft AdCenter

Yahoo! Search Marketing cung cấp những dịch vụ như Tìm kiếm có tài trợ, quảng cáo địa phương và Danh bạ Sản phẩm/Du lịch cho phép các doanh nghiệp quảng cáo về sản phẩm/dịch vụ của mình trên mạng lưới của Yahoo.

Yahoo! Publisher Network là công cụ quảng cáo dành cho các nhà cung cấp nội dung trực tuyến. Mạng quảng cáo của Yahoo được nâng cấp vào tháng 5 năm ngoái, bổ sung thêm một số tính năng mới như chạy thử quảng cáo, dự đoán hiệu quả chiến dịch v..v...

Nền tảng adCenter của Microsoft cũng cung cấp những tính năng tương tự, song mang tính tùy biến cao hơn. Microsoft đã mua lại DeepMetrix, một công ty tư nhân chuyên cung cấp công cụ phân tích Web và trí tuệ doanh nghiệp để tăng hiệu quả cho quảng cáo.

Tác động của vụ sáp nhập: Thay thế sản phẩm. Thị trường Mỹ đã tương đối bão hòa, cả Yahoo và Microsoft đều tìm cách mở rộng mạng lưới quảng cáo ở bên kia đại dương, cũng như trên những thiết bị như ĐTDĐ, Xbox. Tuy nhiên, hãy đối diện với sự thật: Quảng cáo văn bản của Google vẫn là thống trị.

Trọng Cầm

Theo PC Mag, VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video