Tâm bão Haiyan sẽ ở trên vùng biển các tỉnh Thanh Hóa - Hải Phòng đêm nay, gây mưa lớn trên diện rộng, vì vậy các địa phương khu vực này đang khẩn trương ứng phó với siêu bão.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương, 11h ngày 10/11, tâm bão Haiyan cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Trị khoảng 190km về phía đông, với sức gió tối đa 149km một giờ (cấp 13).
Đường đi của bão Haiyan theo dự báo của Nhật Bản. (Ảnh:Jma)
Bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, đi song song bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Nghệ An với vận tốc mỗi giờ khoảng 30 - 35km. Đến 22 giờ ngày 10/11, tâm bão trên vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa - Hải Phòng với sức gió tối đa 117km một giờ (cấp 11).
Khu vực miền bắc được cảnh báo sẽ có mưa to từ đêm 10 đến 12/11. Từ 11- 13/11, hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ vừa, với biên độ lũ từ 2 đến 5m. Đỉnh lũ có khả năng lên trên mức báo động 1, có nơi lên mức báo động 2. Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng… cần đề phòng ngập úng ở các vùng trũng, ngập lụt ở các đô thị.
Trước tình hình này, các địa phương miền Bắc nhất là khu vực ven biển đã có công điện ứng phó với bão.
Tỉnh Thanh Hóa đã có công điện về sơ tán dân 6 huyện ven biển, cách mép nước 200m, hoàn thành trước 18h cùng ngày, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng của nhân dân, ưu tiên sơ tán người già và trẻ em. Vị trí tạm trú là các trường học, công sở, nhà cao tầng kiên cố và các địa điểm khác theo phương án đã được duyệt. Tỉnh yêu cầu nhân dân khi đi sơ tán phải mang theo lương thực, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết đủ dùng trong 3 ngày.
Hiện chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ với các gia đình kêu gọi ngư dân trên chòi canh, lồng bè vào bờ, giúp dân chằng chống nhà cửa.
Đường đi của bão Haiyan theo dự báo của Việt Nam
Ngày 10/11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng cho biết, từ 7 giờ 10/11, tỉnh đã thực hiện cấm biển, các tuyến đò trên sông tạm ngừng hoạt động vận tải từ 10 giờ ngày 10/11 cho đến khi bão tan.
Tỉnh dự kiến phải di chuyển hơn 10.000 hộ dân với trên 44.600 nhân khẩu sống trong phạm vi cách bờ biển 200 mét.
Các huyện, thành phố, thị xã di dân đang sống ở khu vực cửa sông, vùng thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn, chặt tỉa cây cối, chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, trường học, bệnh viện xong trước 14 giờ ngày 10/11. Tỉnh sẽ hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão lũ. Học sinh trên địa bàn sẽ nghỉ học đến khi bão tan.
Nguy cơ bão Haiyan đổ bộ và gây thiệt hại cho Hà Nội là rất lớn. (Ảnh: Nguyên Anh)
Trao đổi với PV, ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp Nam Định cho hay, từ 3h sáng nay, lệnh cấm biển đã được ban bố. Toàn bộ hơn 2.000 tàu thuyền của tỉnh này đã vào nơi trú tránh. Lệnh sơ tán dân ở 3 huyện ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy cũng được đưa ra. Theo đó, chậm nhất đến 17h chiều nay, khoảng 7.000 dân và khách du lịch phải sơ tán tới nơi an toàn.
Dù chủ động ứng phó bão nhưng theo ông Thủy, nếu đổ bộ, cơn bão sẽ gây thiệt hại rất nặng cho Nam Định. Đáng kể nhất là hàng chục nghìn tấn ngao ở bãi ngao Giao Thủy và Hải Hậu, 3.000 ha lúa đặc sản và hàng nghìn ha cây vụ đông. "Bây giờ chỉ trông chờ vào ông trời thôi, nếu bão đổ bộ thì thiệt hại cho tỉnh sẽ rất lớn", ông Thủy nhận định.
Trưa 10/11, thời tiết ở Nam Định yên ả song điều ông Thủy lo ngại là dự kiến thời điểm đổ bộ của bão vào sáng 11/11, đúng lúc nước triều lên cao.
Ông Lê Văn Thăng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp Thái Bình cho biết, tỉnh đã lập Sở chỉ huy tiền phương tại đồn biên phòng Cửa Lân (Tiền Hải) để kịp thời ứng phó với bão Haiyan. Lãnh đạo Sở đang dẫn đầu các đoàn đến từng địa phương để kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống bão.
Tại huyện Tiền Hải, trời đẹp, không mưa. Mặc dù vậy, ông Thăng vẫn chỉ đạo các ban ngành và người dân phải cảnh giác. Lệnh di dân đã được phát đi. Theo đó, những hộ dân ở ngoài đê và những người đang làm việc ở khu vực này phải lập tức di chuyển đến nơi an toàn trước 15h ngày 10/11. Những người ở trong đê nhưng nhà yếu cũng phải di rời. Trường hợp không thực hiện sẽ bị cưỡng chế.
"Từ chiều qua, Thái Bình đã cấm biển. Tàu thuyền được hướng dẫn vào nơi neo đậu an toàn. Sở giao thông có nhiệm vụ giải tỏa các tuyến đường trong và sau bão để các lực lượng chức năng nhanh chóng tiếp cận các vị trí cần cứu hộ", ông Thăng nói và cho hay, Sở đã yêu cầu vận hành thử các phương tiện thoát nước.