Nguyên tắc nền tảng của cộng đồng nguồn mở là mã phần mềm được mở rộng để ai cũng có thể tham gia phát triển và sử dụng, thay vì "giữ khư khư" như một bí mật thương mại. Kết quả là những chương trình như hệ điều hành Linux đã trở thành thành tựu của rất nhiều chuyên viên lập trình.
Tim O'Reilly, nhà sáng lập công ty O'Reilly Media (Mỹ), cho biết: "Phần mềm đóng gói bắt đầu được kinh doanh từ những năm 80 và Microsoft được coi là biểu tượng của xu hướng này. Nhưng ngay giữa thập niên 80, nhiều người đã tuyên bố họ không thích giải pháp đóng cửa thông tin, đặc biệt là những thông tin mà người khác có thể tiếp tục xây dựng trên đó".
Trên thực tế, sự phát triển mã mở không hề tỷ lệ nghịch với khả năng sinh lời. Mã nguồn có thể miễn phí, nhưng "mỏ vàng" lại xuất hiện trong quá trình hỗ trợ phần mềm, đào tạo và xuất bản.
"Bí quyết thành công là chúng tôi cung cấp phần mềm tự do kèm theo danh sách chi phí dịch vụ, nêu ra những gì khách hàng phải trả cho những vấn đề cơ bản nếu họ được hỗ trợ về sau", Damian Conway, Giám đốc đào tạo tại Thoughtstream (Hà Lan), tiết lộ. "Theo cách đó, mọi người vẫn có thể sử dụng miễn phí nếu họ muốn. Nhưng khi gặp rắc rối, chắc chắn họ sẽ cần sự trợ giúp và bạn sinh lời từ đó".
Chuyên gia Chet Kapoor của IBM nhận định: "Cộng đồng mã mở đang thực hiện những đổi mới đáng kể trên thị trường, giải quyết được những vấn đề chưa thực hiện trong phần mềm chuẩn hóa". Một sản phẩm mang tư duy đổi mới của mã mở đáng chú ý gần đây là Flock, trình duyệt tích hợp những công nghệ web thế hệ mới như RSS, blog, chia sẻ bookmark và hình ảnh.
Karl Fogel, thành viên của hãng phân phối phần mềm CollabNet, cho biết: "Trong những trường hợp nhất định, tự do lại là một tài sản lớn của doanh nghiệp. Nếu mã mở thực sự có thể mang lại tiền bạc từ sự tự do, việc tiếp tục khai thác lĩnh vực này là hoàn toàn có lý".
T.N. (theo BBC)