Mơ và lo về trí thông minh nhân tạo

Robot biết mở cửa và tìm ra ổ điện để tự nạp năng lượng. Các virus máy tính không gì chặn được. Những máy bay tiêm kích không người lái vận hành như một cỗ máy giết người tự động... Việc hiện đại hóa các loại máy móc này đang khiến nhiều nhà khoa học lo ngại.

Một nhóm nhà khoa học hàng đầu về máy tính, trí thông minh nhân tạo và nghiên cứu robot vừa dự hội thảo do Hiệp hội Vì sự tiến bộ của trí thông minh nhân tạo (AAAI) tổ chức ở Monterey Bay, California (Mỹ). Họ thấy cần lên tiếng về việc liệu có nên đặt ra những giới hạn cho các nghiên cứu. Lo ngại này là có thật trước nguy cơ con người không còn kiểm soát được hệ thống máy thông minh hiện đang gánh vác một phần rất lớn công việc của xã hội loài người, từ phát động chiến tranh đến thuyết phục khách hàng qua điện thoại.

Robot tự sạc điện

Robot PR2 đang tự sạc pin 
(Ảnh: New York Times)

Chủ trì hội thảo là tiến sĩ Eric Horvitz, chủ tịch AAAI và là nhà nghiên cứu từng làm việc cho Microsoft. Horvitz tin rằng việc đối phó với các máy móc siêu thông minh và những hệ thống trí tuệ nhân tạo siêu cấp đã đến lúc không chỉ là đề tài của phim khoa học viễn tưởng nữa. “Có điều gì đó mới mẻ đã xảy ra trong vòng 5-8 năm qua” - tiến sĩ Horvitz nhận định.

Tháng trước, nhóm nghiên cứu Willow Garage ở Thung lũng Silicon (Mỹ) đã cho ra mắt một robot biết tự định hướng tới mức gần hoàn chỉnh. Những thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết robot PR2, ở giai đoạn thử nghiệm, có thể di chuyển với tốc độ 2km/g, tự mở và đi qua mười cánh cửa rồi tự cắm sạc điện trong gần một giờ. Với những ai muốn thuê người giúp việc nhà, những động tác đó có thể không quá ấn tượng, nhưng với các nhà khoa học, đó là cả một bước tiến lớn bởi PR2 là robot đầu tiên có khả năng thực hiện một loạt hành vi phức tạp trong một môi trường thật.

Cách đây không lâu, giáo sư Henry Markram, thuộc dự án Blue Brain, từng tuyên bố trong một hội thảo ở Oxford (Anh) rằng các nhà khoa học sẽ có khả năng tạo ra não nhân tạo trong mười năm tới. Công việc của Blue Brain “khám phá những bí ẩn của chức năng và mất chức năng của bộ não”, nhằm giúp con người chẩn đoán và điều trị cho “2 tỉ người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các bệnh rối loạn thần kinh”. Tuy nhiên, trang Blorge.com đặt câu hỏi: liệu bộ não nhân tạo có thể được sử dụng vào các mục đích nào khác hay không?

Nguy cơ có thật

Một khía cạnh đáng sợ khác là virus máy tính thông minh. Tạp chí New Scientist đưa ra ví dụ về các phần mềm độc hại có thể sao chép “hành vi kỹ thuật số” của con người. Theo đó, những kẻ chuyên ăn cắp thông tin cá nhân có thể cấy một loại virus vào điện thoại di động của người khác để theo dõi tin nhắn, email, giọng nói, nhật ký hộp thư thoại và các chi tiết khác về nhân thân người sử dụng rồi sau đó nhái lại hoặc dùng chúng cho các mục đích bất chính. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng việc đó là hoàn toàn trong tầm tay. “Nếu chúng ta làm được, bọn tội phạm cũng làm được” - Tom Mitchell, thuộc ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), thừa nhận.

Theo các nhà khoa học, mặc dù vẫn còn lâu con người mới tạo ra được máy tính thông minh như người, nhưng các tiến bộ kỹ thuật đã và đang buộc nhân loại phải học cách sống với những cỗ máy được tạo ra để bắt chước chính mình. Một mối nguy nữa là những hệ thống thông minh nhân tạo một khi lọt vào tay các tổ chức tội phạm có thể bị khai thác cho những mục đích bất chính.

Ngoài ra, sự phát triển của máy móc thông minh còn đe dọa công ăn việc làm của con người khi các phát minh như xe hơi tự điều khiển, phần mềm trợ lý và robot thực hiện dịch vụ quản gia không còn là điều quá xa vời. 

Những "cỗ máy giết người” từ trên trời

Ngày 27-7, tạp chí Computer World dẫn báo cáo “Kế hoạch về hệ thống máy bay không người lái giai đoạn 2009-2047” của không quân Mỹ cho biết đến giữa thế kỷ 21, quân đội nước này sẽ phát triển hệ thống máy bay không người lái “thông minh” đến mức có thể tự quyết định có tấn công hay không một mục tiêu cụ thể.

Theo New York Times, những máy bay tiêm kích không người lái đã được Mỹ sử dụng lần đầu tiên tại Bosnia và Kosovo vào những năm 1990 và phi đội bay này tăng nhanh trong vài năm trở lại đây với 195 máy bay Predator trị giá 4,5 triệu USD/chiếc và 28 chiếc Reaper thế hệ mới, với khả năng mỗi ngày thực hiện 34 chuyến bay tuần tra ở Iraq và Afghanistan so với 12 chuyến vào năm 2006.

Nhưng ngoài việc góp sức cùng quân đội Chính phủ Pakistan tiêu diệt các phần tử Taliban ở vùng Swat vừa qua, trí tuệ của những cỗ máy giết người tự động này lại gây ra nhiều lo ngại và chỉ trích khi các đợt oanh kích tại Pakistan đã làm không ít dân thường thiệt mạng, như đợt tấn công hồi tháng 5 vừa qua phía Mỹ thừa nhận đã giết chết 26 thường dân.

 

Một trong số 28 máy bay không người lái Reaper (Ảnh: wordpress.com)

Theo New York Times, Telegraph, Tuổi trẻ online
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video