Mối liên kết giữa sữa người và sữa động vật hoang dã

Nhìn chung, mỗi năm có 700 triệu tấn sữa được sản xuất trên toàn thế giới. Nhưng con số thống kê này tất nhiên bỏ sót lượng sữa của một loài có vú, đó là con người.

Theo BBC, ở động vật có vú, con cái sản sinh ra sữa để nuôi con non. Thành phần trong sữa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ nhiệt độ môi trường đến thời gian cho con bú.

Theo một nghiên cứu về nuôi con sữa mẹ của Trung tâm Kiểm Soát và Phòng ngừa Bệnh tại Mỹ (CDC), sữa người có nhiều điểm tương đồng với sữa của một loài động vật hoang dã Châu Phi.

Trên thế giới, cứ 10 cốc sữa tươi thì có 9 cốc được sản xuất từ sữa gia súc. Cốc còn lại có nguồn gốc từ dê, trâu, cừu và lạc đà. Tuy ít phổ biến hơn, nhưng loài người cũng sử dụng sữa từ các loài động vật được nuôi trong nhà hoặc bán hoang dã như lạc đà không bướu, nai sừng tấm, bò xạ và bò Tây Tạng.


Sữa hải cẩu chứa 61% chất béo, là loại sữa giàu năng lượng nhất trong tự nhiên. (Ảnh: ITsnature).

Mọi loài động vật có vú đều có khả năng sản xuất sữa, từ các động vật đẻ trứng như thú mỏ vịt đến thú có túi như kangaroo và những loài phổ biến như thỏ, hổ, cá heo và khỉ.

Do nhu cầu dinh dưỡng và môi trường sống khác nhau mà mỗi con cái sẽ sản sinh ra lượng sữa và tỉ lệ chất dinh dưỡng khác nhau.

Ví dụ như hải cẩu sống ở vùng ven biển Bắc Đại Tây Dương lạnh giá. Cơ thể con non cần hình thành lớp mỡ dày để chống chọi với điều kiện sống khắc nghiệt, để chúng có thể bơi và kiếm mồi dưới làn nước lạnh như băng. Do đó, sữa mẹ của chúng chứa 61% chất béo, chỉ 5% protein và 1% đường.

Hải cẩu mẹ thường sinh con trên những tảng băng và chúng chỉ có vài ngày để chăm con trên tảng băng đó để tránh bị gấu trắng săn lùng. Trong thời gian này, hải cẩu mẹ truyền cho con đến 6kg sữa giàu chất béo mỗi ngày để giúp con nhanh chóng thích nghi với môi trường.

Ở các loài động vật ăn cỏ, thú mẹ thường nuôi con trong nhiều tuần, nhiều tháng. Chúng không phải chuyển hóa năng lượng cho con thật nhanh trong thời gian ngắn như hải cẩu. Do đó, chúng cho bú theo nhu cầu của con non. Sữa của tê giác thường chứa 0,2% chất béo. Tỉ lệ này ở sữa của khỉ đột mẹ là 1,5%.

Sữa của loài người nằm khoảng giữa hai loại sữa trên. Các em bé sơ sinh cần đươc chăm sóc trong một khoảng thời gian dài. Điều này cũng cho phép các bà mẹ sản xuất ra một loại sữa loãng và chứa nhiều nước hơn. Trong sữa mẹ có đến 90% là nước. Bởi vì nếu sữa mẹ cũng nhiều chất như sữa hải cẩu thì người mẹ sẽ không còn năng lượng để chăm con nữa. Thực tế là sữa người chứa 4% chất béo, 1,3% protein, và 7,2% lactose (đường sữa).

Hai nhà nhân chủng học Katie Hinde và Lauren Milligan cho biết, sữa của ngựa vằn mẹ khá tương đồng với sữa người, với 2,2% chất béo, 1,6% protein, 7% lactose, và 89% là nước. Sữa của người và ngựa vằn đều chứa nhiều nước và ít năng lượng. Và năng lượng trong sữa chủ yếu đến từ lactose chứ không phải từ chất béo.


Sữa mẹ bao gồm dinh dưỡng và kháng thể giúp phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm. (Ảnh: Express).

Trải qua quá trình tiến hóa, sữa của các loài động vật cũng có sự biến đổi để con non thích nghi với môi trường. Để tìm hiểu toàn diện quá trình tiến hóa của sữa mẹ, nhà sinh vật học Amy L Skibiel từ trường Đại học Auburn, Mỹ, đã nghiên cứu các thành phần sữa của 130 loài động vật có vú khác nhau.

Bà khám phá ra rằng các loài động vật có quan hệ gần nhau thì sữa của chúng cũng khá tương đồng. Trên góc độ di truyền học, khoảng thời gian cho con bú là yếu tố dự báo thành phần sữa. Hải cẩu nuôi con sữa mẹ trong khoảng bốn ngày, do đó sữa của chúng nhiều năng lượng, trong khi đó, cá heo mũi chai nuôi con trong 18 tháng.

Yếu tố tiếp theo quyết định thành phần sữa là chế độ ăn của từng loài. Sữa của động vật có vú ăn thịt như hổ có nhiều chất béo và protein hơn là động vật ăn cỏ như hươu cao cổ và linh dương.

Theo một giả thuyết, sữa có tác dụng thúc đẩy sự phát triển hệ miễn dịch của con non. Các kháng thể truyền từ con mẹ giúp cơ thể con non hình thành lớp bảo vệ khỏi bệnh truyền nhiễm. Một giả thuyết khác là sữa ban đầu như một chất giữ ẩm cho da. Thú mỏ vịt mới nở cũng bú sữa mẹ, nhưng thay vì bú từ núm vú, chúng liếm sữa tiết ra từ tuyến mồ hôi trên cơ thể mẹ.


Synapsid, tồn tại cách đây 160 triệu năm, là loài động vật nuôi con bằng sữa mẹ đầu tiên trong lịch sử. (Ảnh: Wikipedia).

Cuối cùng, sữa người hay sữa động vật đều là kết quả của quá trình tiến hóa hàng triệu năm từ loài động vật có vú đẻ trứng đầu tiên gọi là synapsid hay động vật một cung bên. Tồn tại cách đây 160 triệu năm, loài vật này được miêu tả là loài bò sát giống thú.

Nhờ sự tiến hóa này mà ngày nay, chúng ta được tận hưởng tất cả những lợi ích từ sữa bao gồm dinh dưỡng, kháng thể, độ ẩm... cũng như các sản phẩm từ sữa như bơ, sữa chua, phomai.

Cập nhật: 21/07/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video