Các nhà thiên văn thông báo một đám mây khí hydro khổng lồ đang tăng tốc và có thể sẽ va chạm với dải Ngân hà. Mang tên “Đám mây của Smith” (Smith’s Cloud) có thể tạo ra cả một cảnh tượng pháo hoa ngoạn mục khi va đập với dải Thiên hà trong vòng 20 – 40 triệu năm tới.
Các nhà khoa học tin rằng đám mây chứa đủ lượng hydro để sinh ra hàng triệu ngôi sao như mặt trời. Khi nó tiếp xúc hoàn toàn với thiên hà của chúng ta, đám mây có thể khởi đầu cho sự bùng nổ những sao mới hình thành trong dải Ngân hà.
Kết quả công trình được một đội nghiên cứu của Đài thiên văn vô tuyến Quốc gia Mỹ (NRAO) và Đại học Wiscosin – Whitewater công bố tại buổi họp thứ 211 của Cộng đồng Thiên văn Mỹ tại Austin, Texas.
Khung cảnh ngoạn mục
Đám mây khí được phát hiện vào năm 1963 bởi một nhà thiên văn trẻ người Mỹ Gail Smith làm việc tại Đại học Leiden ở Hà Lan. Bà hiện nay không còn công tác trong ngành khoa học nhưng vẫn sống ở Hà Lan. (Ảnh: BBC) |
Công trình mới sử dụng kính viễn vọng Green Bank (GBT) đặt ở Tây Virginia để quan sát vật thể này và khẳng định khả năng va chạm là có thực. Kết quả đo đạc của nhóm cho biết đám mây này dài 11.000 và rộng 2.500 năm ánh sáng.
Bức tường sương mù đang tiến về thiên hà của chúng ta với vận tốc 240 km/s và dự đoán sẽ va vào dải Ngân hà một góc 45 độ.
Nhìn chung, đám mây đang xoay chuyển so với dải Ngân hà, nhưng đồng thời cũng đi thẳng về hướng đó. Các nhà thiên văn có thể quan sát được một bức tường khí đang tung mù lên khi đám mây chạm vào phần rìa của bầu khí quyển của dải Ngân hà.
Tác giả chính của công trình, Tiến sĩ Felix Lockman thuộc NRAO cho rằng,vật thể đang nằm cách Trái đất 40.000 năm ánh sáng có thể tạo ra một quang cảnh ấn tượng nếu được quan sát bằng mắt thường. Ông phát biểu với BBC rằng: “Chúng tôi vẫn chưa biết nguồn gốc của đám mây vì quỹ đạo lộn xộn của nó nhưng chúng tôi biết rằng nó bắt đầu tiếp xúc với rìa ngoài của dải Ngân hà, bị kéo đi và một phần của nó đang bị rơi. Tuy nhiên, nó cũng nhận lực hút của dải Ngân hà và lao xuống bề mặt phẳng cùng một lúc.”
Trước khi va chạm vào thiên hà, Smith’s Cloud sẽ chạm vào một khu vực không xa lắm vị trí của Thái dương hệ và cách trái đất khoảng 90 độ trên bề mặt phẳng của dải Ngân hà.
Hậu quả của vụ va chạm
Khi va chạm xảy ra, đám mây sẽ sản sinh ra những đợt sóng xung kích trên lượng khí có sẵn trong dải Ngân hà. Lockman giải thích: “Gần như là một quả bom phát nổ vậy, nhưng sẽ có những loại khí mới được sinh ra có thuộc tính khác với loại khí đang tồn tại hiện nay.”
Những sóng xung kích sẽ gây ra một sự bùng nổ những ngôi sao mới hình thành. Những ngôi sao này có kích thước khổng lồ, tồn tại chớp nhoáng và cuối cùng phát nổ như một ngôi sao băng. Cũng theo Lockman, trong vòng vài triệu năm, hiện tượng này sẽ trông như một buổi tiệc mừng Năm mới trong vũ trụ với những chùm pháo hoa rực rỡ to lớn trong dải Ngân hà.
Đồng tác giả công trình, Tiến sĩ Robert Benjamin thuộc Đại học Wiscosin-Whitewater trả lời phỏng vấn của BBC: “Nếu lực kéo đủ và đám mây bị vỡ thì hậu quả sẽ ít nghiêm trọng hơn. Nhưng trong hiện tại, có vẻ đám mây đang hết sức chắc chắn.”
Các nhà thiên văn từng dự đoán một vùng của những ngôi sao sáng gọi là Vành đai Gould nằm gần Mặt trời của chúng ta có thể đã được tạo ra theo cách này.
Tiến sĩ Lockman cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể thực sự quan sát được hiện tượng này. Dải Ngân hà đang chịu tổn thương – có rất nhiều mảnh vỡ của nó xuất hiện. Khi điều này xảy ra, nó có thể đem lại những loại khí mới và hình thành nên những ngôi sao mới. Thật là thú vị khi xem xét liệu sự kiện này có từng xảy ra gần mặt trời hay không.”
Đám mây khí đang tiến về dải Ngân hà với vận tốc 240 km/s. Các nhà thiên văn đã ghi lại được nhiều hình ảnh chi tiết của đám mây. (Ảnh: Usatoday.com) |