Một người tiêm vaccine Covid-19 của 2 hãng khác nhau có được không?

Kết quả ban đầu trong thử nghiệm phối hợp hai loại vaccine Covid-19 khác nhau thực hiện với 633 người cho thấy phối hợp vaccine Covid-19 có lợi vì tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh.

Công bố ngày 19-5 trên tạp chí Nature, nghiên cứu tiến hành ở Tây Ban Nha khẳng định tiêm một liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca kết hợp 1 liều vaccine Covid-19 Pfizer - BioNTech tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh với virus SARS-CoV-2.

Đây là thử nghiệm đầu tiên về phối hợp vaccine và cho thấy lợi ích của việc này. Trước đó, Anh cũng có một báo cáo tương tự và khẳng định phối hợp 2 loại vaccine là an toàn, nhưng tỉ lệ người bị các tác dụng phụ sau tiêm, như sốt, cao hơn so với những người tiêm 2 liều cùng loại.

Điều này liên quan đến thực tế là nhiều nước châu Âu đã khuyến cáo một số hoặc toàn bộ những ai đã tiêm liều đầu với vaccine của AstraZeneca nên tiêm liều thứ hai với vaccine khác.


Phối hợp hai loại vaccine Covid-19 có thể vẫn hiệu quả và an toàn - (Ảnh: scitechdaily.com).

Zhou Xing, nhà miễn dịch học của Đại học McMaster ở Hamilton (Canada), bình luận về kết quả nghiên cứu: "Dường như vaccine Pfizer đã tăng cường phản ứng kháng thể một cách đáng kể sau khi tiêm một liều vaccine AstraZeneca".

Theo các số liệu ban đầu, phản ứng kháng thể ở những người được tiêm phối hợp hai loại vaccine thậm chí còn mạnh hơn so với những người nhận 2 liều vaccine của AstraZeneca. Tuy nhiên, hiệu quả này không rõ khi so với phản ứng tương tự ở những người nhận hai liều vaccine của Pfizer - BioNTech, vì vaccine này có xu hướng kích hoạt phản ứng kháng thể đặc biệt mạnh sau liều thứ hai.

Dễ cho khâu hậu cần

Phối hợp vaccine Covid-19 không chỉ là sử dụng vaccine do hai đơn vị khác nhau sản xuất mà còn là phối hợp hai cách kích hoạt phản ứng miễn dịch khác nhau, do công nghệ bào chế vaccine khác nhau.

Vaccine của Pfizer và Moderna chứa một đoạn nhỏ mRNA, vật liệu di truyền chứa công thức tạo ra một vùng của protein gai của virus SARS-CoV-2. mRNA trượt vào các tế bào của người được tiêm chủng, nơi nó chỉ đạo sản xuất ra protein của virus. Sau đó, hệ miễn dịch của người đó nhận ra protein gai ngoại lai và tạo ra các kháng thể chống lại nó.

Đa số các loại vaccine Covid-19 còn lại sử dụng công nghệ viral vector. Các nhà nghiên cứu sử dụng một loại virus an toàn (chẳng hạn virus gây bệnh cúm) và điều chỉnh với các thành phần cụ thể của virus gây bệnh (thường là protein) để kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Virus an toàn đóng vai trò là một vector để đưa protein của virus gây bệnh vào cơ thể. Protein này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Lợi ích của việc phối hợp này còn được thấy ở khâu hậu cần. Ví dụ, khi nguồn cung của một loại vaccine tạm gián đoạn, người dân có thể đổi sang dùng loại vaccine khác mà không cần phải lo lắng.

Nếu phản ứng miễn dịch mạnh hơn, kéo dài hơn khi phối hợp 2 loại vaccine như các nhà nghiên cứu hy vọng, đây còn là cách tốt hơn để bảo vệ người dân trước các biến thể mới đang lây lan mạnh gần đây.

Tuy nhiên, vấn đề sẽ càng phức tạp hơn với mũi tiêm nhắc lại (mũi thứ ba) vì vaccine AstraZeneca có xu hướng kém hiệu quả hơn, trong khi tác dụng phụ khi tiêm nhắc lại của vaccine Pfizer - BioNTech lại có xu hướng mạnh hơn.

Các nhà nghiên cứu hy vọng họ có thể phối hợp các loại vaccine Covid-19 của nhiều hãng khác nhau. Phối hợp vaccine không phải là sáng kiến mới, mà nó đã được áp dụng phổ biến với nhiều loại bệnh dịch khác như Ebola.

Hiện nay, Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở Mỹ mới cho phép phối hợp vaccine của Pfizer và Moderna với nhau và chỉ áp dụng cho các trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn thiếu vaccine hoặc khi người được tiêm không nhớ trước đây mình đã tiêm loại nào. Hai loại này sử dụng chung một công nghệ.

Canada cho phép phối hợp vaccine nếu nguồn cung bị hạn chế, khi người được tiêm khó có thể được tiêm liều thứ hai cùng loại với liều thứ nhất, hoặc nếu họ đã tiêm mũi đầu với vaccine của AstraZeneca.

Trong khi đó, các nước châu Âu khuyến cáo nên đợi nghiên cứu sâu hơn trước khi áp dụng.

Cập nhật: 23/06/2021 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video