Một số tác hại của ánh nắng mặt trời đối với mắt

Sự sống trên trái đất không thể tồn tại nếu không có ánh nắng mặt trời. Bức xạ cực tím trong ánh nắng có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người như thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp vitamin D.

Phơi nắng quá nhiều lại có các ảnh hưởng xấu đối với da, mắt và hệ thống miễn dịch (Ảnh: boattest)

Tuy nhiên, phơi nắng quá nhiều lại có các ảnh hưởng xấu đối với da, mắt và hệ thống miễn dịch. Tác hại của ánh nắng đối với sức khỏe là do tia cực tím có trong ánh nắng gồm cả 3 loại UV-A, UV-B và UV-C.

Ánh nắng mặt trời ảnh hưởng như thế nào đối với mắt?

Mắt có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức hoặc về lâu dài sau khi hấp thụ tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời. Nhiều bộ phận của mắt chịu ảnh hưởng của tia cực tím như mi mắt, kết mạc (phần lòng trắng của mắt), giác mạc (phần lòng đen phía trước), thủy tinh thể (nhân mắt) và võng mạc (bộ phận ở mắt trong có tác dụng giống như phim ảnh để tiếp nhận hình ảnh mà ta nhìn thấy).

Ở mi mắt, ánh nắng có thể gây nên một số loại u mi, đặc biệt là ung thư mi như ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và u hắc tố ác tính.

Đối với kết mạc, giác mạc sự tiếp xúc với tia cực tím có cường độ quá mạnh có thể gây bỏng giác mạc với các triệu chứng như cộm, khó chịu, đỏ mắt, chói mắt, chảy nước mắt và tình trạng này thường sẽ đỡ đi sau 48 giờ. Về lâu dài, tia cực tím có thể gây nên mộng hoặc “hạt vàng” ở kết mạc. Dần dần, mộng phát triển vào giác mạc và gây ảnh hưởng đến thị lực. “Hạt vàng” là những đám nhỏ màu vàng ở kết mạc và thường không ảnh hưởng tới thị lực.

Đục thủy tinh thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp ở người cao tuổi, dẫn đến mù lòa nhất là ở những nước thiếu khả năng, phương tiện cho phẫu thuật lấy thủy tinh thể đục và thay thủy tinh thể nhân tạo. Có 3 loại đục thủy tinh thể cơ bản: đục vỏ, đục nhân và đục bao sau. Nhiều nghiên cứu dịch tễ đã cho thấy sự tiếp xúc với ánh nắng kéo dài dần dần gây nên tình trạng đục vỏ thủy tinh thể.

Khi nhìn lâu hoặc trực tiếp vào mặt trời nhất là vào khoảng thời gian giữa trưa, có thể gây nên tình trạng bỏng võng mạc (viêm võng mạc do ánh nắng). Tình trạng này cũng thường thấy sau khi xem nhật thực mà không dùng kính bảo vệ mắt. Ngoài ra, bệnh thoái hóa hoàng điểm ở người cao tuổi - một nguyên nhân gây mù lòa hay gặp nhất ở các nước phát triển - cũng được cho là có liên quan đến quá trình tiếp xúc lâu dài với ánh nắng (hoàng điểm nằm ở trung tâm võng mạc và là nơi giúp cho chúng ta có được màu sắc và hình ảnh của các đồ vật một cách rõ nét nhất).

Làm thế nào để bảo vệ mắt trước tác hại của ánh nắng?

Biện pháp quan trọng nhất để tránh tác hại của ánh nắng đối với mắt là tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, đặc biệt từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều, là khoảng thời gian có nhiều tia tử ngoại nhất trong ánh nắng. Do đó, đối với một số nghề nghiệp phải làm việc ngoài trời thì nên sắp xếp công việc hợp lý để tốt nhất là làm việc trước 11 giờ sáng và sau 4 giờ chiều.

Khi bắt buộc phải làm việc dưới ánh nắng thì nên tạo ra bóng râm như làm lán trại, che ô… và làm việc dưới bóng râm. Ngoài ra, khi làm việc hoặc sinh hoạt trực tiếp dưới ánh nắng nên có các phương tiện che chắn nắng như đội mũ rộng vành, đeo kính có chức năng hấp thụ tia cực tím, khăn che mặt…

ThS. BS. HOÀNG ANH TUẤN (Bệnh viện Mắt TƯ)

Theo Sức khoẻ Đời sống, Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video