Bị chính đồng loại tấn công để cướp cá, con mực khổng lồ cái dài 9 mét mang nhiều vết thương nặng khi dạt vào bờ biển Tây Ban Nha.
Con mực khổng lồ (Architeuthis dux) dạt vào bờ biển phía tây bắc Tây Ban Nha năm 2016 là cá thể còn sống duy nhất được tìm thấy mắc cạn ở ngoài vùng biển Nhật Bản. Phát hiện được công bố hôm qua trên tạp chí Ecology, theo IFL Science.
Dù mực khổng lồ thường dài khoảng 13 mét và nặng hàng trăm kilogram, giới nghiên cứu biết rất ít về loài vật này. Có chưa đến 1.000 mẫu vật được phát hiện và phần lớn đều đã chết. Những cá thể hiếm hoi sống sót khi trôi vào bờ chủ yếu tập trung ở các bờ biển của Nhật Bản.
Con mực khổng lồ còn sống khi dạt vào bờ nhưng chết vài giờ sau đó. (Ảnh: IFL Science).
Nhiều cư dân trông thấy con mực khổng lồ cách không xa bến cảng trên bãi biển Bares ở cực bắc Tây Ban Nha hôm 7/10/2016. Nó trôi nổi cách mặt nước khoảng ba mét, vẫn còn sống và vùng vẫy trong hai tiếng trước khi dạt vào bờ. Khi kiểm tra, các nhà nghiên cứu có thể chắc chắn đây là một con mực cái chưa trưởng thành dài 9 mét và nặng 105kg.
Điều khiến họ tò mò là trên mình con mực phủ đầy những vết rách và cào xước không giống thương tích khi bị mắc cạn. Kết quả kiểm tra kỹ hơn phần áo của con mực ít tuổi hé lộ kẻ tấn công nó không phải động vật ăn thịt mà là một con mực khổng lồ khác. Kích thước và hình dạng các dấu giác hút trùng khớp với giác hút của loài này. Các nhà nghiên cứu cho rằng con mực chưa trưởng thành không may vướng vào cuộc chiến với đồng loại, nhiều khả năng nhằm tranh thức ăn.
Theo các nhà nghiên cứu, con mực khổng lồ lạc tới vùng biển của Tây Ban Nha khi đuổi theo cá mối xanh. Loài cá này thường tập hợp thành đàn lớn ở độ sâu 150 - 3.0000 mét, dù chúng sinh sống phổ biến hơn ở cách mặt nước 300 - 400 mét. Do mật độ tập trung dày đặc, chúng không chỉ là mục tiêu của mực khổng lồ mà cả các tàu cá.
Dù các nhà nghiên cứu chưa hiểu rõ hoàn toàn hành vi săn mồi của mực khổng lồ, họ suy đoán có thể chúng chủ động đuổi theo con mồi hoặc nằm rình. Một báo cáo ghi nhận mực khổng lồ bơi bên dưới đàn cá và vung xúc tu để bắt cá. Đàn cá mối đồ sộ chắc chắn thu hút nhiều con mực khổng lồ, thôi thúc con mực lớn hơn tấn công và cướp cá của những cá thể nhỏ hơn.
Những vết thương trên mẫu vật sống chỉ ra đây là nguyên nhân gây tử vong. Sau khi bị đồng loại tấn công, con mực cái có thể mất phương hướng và bơi vào vùng biển ấm, nơi nó không thể cầm máu và bị ngạt thở.