Một loại chip mới có khả năng xét nghiệm nhanh 11 dòng virus cúm khác nhau, bao gồm cả cúm gà - trong thời gian ngắn chỉ bằng 1/4 thông thường- vừa được công bố tại Mỹ sáng thứ 2 vừa qua.
Hiện tại, phát minh của Đại học Colorado này vẫn đang được thẩm định giá trị, song các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ sớm có thể phát triển nó thành công cụ xét nghiệm khẩn cấp cho các vùng có dịch.
Kathy Rowlrn, giáo sư hóa học và sinh hóa, người trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu cho biết: Chuẩn "vàng" hiện nay của việc phân tích virus cúm dao động từ 3 đến 4 ngày. Tuy nhiên, với những dạng virus có tốc độ lây nhiễm và hủy diệt cao như cúm gà, thời gian đó là quá dài và quá nguy hiểm, nhất là trong trường hợp chúng có thể biến đổi thành virus lây lan từ người sang người.
Y tá Belinda Lee đang cầm túi thu nhặt mẫu xét nghiệm để kiểm tra tại sân bay Honolulu của Mỹ. |
Trong khi đó, loại chip mới lại có thể được lập trình để phản ứng với bất cứ dòng virus cúm nào. Hiện nó đang được kiểm tra tại Trung tâm Kiểm soát và phòng tránh dịch Mỹ và cho ra kết quả chính xác hơn 90% đối với những mẫu bệnh phẩm bị nhiễm H5N1.
Mỗi năm, bệnh cúm giết chết khoảng 250.000 - 500.000 người trên toàn thế giới, tuy nhiên theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, một đại dịch cúm gà-chuyển-thành-cúm-người, nếu bùng phát thật, có thể cướp đi mạng sống của hàng chục triệu người.
Nguy cơ lớn nhất hiện nay chính là dòng virus cúm gà H5N1 đang hoành hành dữ dội tại nhiều phần của châu Á và châu Âu. Tính tới thời điểm này, loại virus chết người này đã lây nhiễm tổng cộng 123 người và khiến một nửa trong số đó tử vong. Nguy hiểm nhất, H5N1 có thể đột biến thành dạng virus cúm lây lan từ người sang người vào bất cứ lúc nào.
Chẩn đoán nhanh
Ban đầu, công trình nghiên cứu của giáo sư Rowlen vốn tập trung vào việc theo dõi dòng đời và chu trình phát triển của các chủng, dòng virus cúm. Nhưng nghi mối lo ngại về một đại dịch cúm gà bùng phát toàn cầu, họ đã xác định: chẩn đoán và phát hiện bệnh nhanh mới là yêu cầu cấp bách và khẩn thiết.
Hiện nay, các mẫu bệnh phẩm của những ca nghi nhiễm H5N1 đều được gửi tới các phòng thí nghiệm trung ương để xác thực, nhưng quá trình này ít nhất cũng phải mất vài ngày. Trong khi đó, các bác sĩ cần biết kết quả sớm hơn để có thể cho bệnh nhân uống kháng sinh mạnh trong vòng 48 giờ, nhằm giảm thiểu mức độ tấn công của virus.
Tương tự, các quan chức y tế cũng cần phải biết kết quả nhanh để có thể sớm cô lập và cách ly những người có tiếp xúc với bệnh nhân.
"Công nghệ mới sẽ giúp giám sát và theo dõi dịch cúm tốt hơn, bởi các phòng thí nghiệm có thể nhận dạng virus cúm nhanh hơn".
Mặc dù vậy, ngay lúc này, con chip này chưa dễ sử dụng lắm. Nhóm nghiên cứu của giáo sư Rowlen đang dốc sức để cải tiến cho nó đơn giản cũng như cơ động hơn. "Chúng tôi muốn điều chỉnh để nó đủ nhỏ gọn và đơn giản để đưa tới những vùng nông thôn hẻo lánh tại Congo, Campuchia hay Indonesia, những nơi chắc chắn là thiếu phòng thí nghiệm hiện đại", Rowlen nói.
Cầm Thi (Theo Reuters)